Bé trai 3 tuổi tử vong nghi do bệnh sởi biến chứng, cảnh báo dấu hiệu bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan
Trẻ mắc sởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi; viêm não; suy giảm miễn dịch thậm chí có thể gây tử vong.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong nghi do bệnh sởi. Theo điều tra dịch tễ, ngày 23/11/2024, bé T.M.T.N. (3 tuổi, ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) bị sốt, không đau ngực, đau bụng, ho ít được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám và điều trị.
Tại đây, bé M. được chẩn đoán mắc bệnh sởi, kê thuốc cho về nhà uống và theo dõi. Bé tái khám vào các ngày 25 và 28/11. Đến sáng 29/11, bé ho nhiều, khò khè, khó thở, lừ đừ.
Ngay sau đó, người nhà đã đưa bé vào bệnh viện. Tuy nhiên, trên đường đi, bé khó thở, hụt hơi rồi hôn mê. Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, bé không tự thở, mất mạch cảnh, đồng tử hai bên giãn, phát ban toàn thân.
Các bác sĩ khẩn trương hồi sinh tim phổi nâng cao, tích cực cứu chữa nhưng bé trai không qua khỏi. Bác sĩ chẩn đoán bé tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, nghi do sởi biến chứng dẫn đến viêm cơ tim, viêm não. Được biết, bé chưa được tiêm vaccine ngừa sởi.
Trước đó, ngày 17/11, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận trường hợp bé trai 8 tuổi tử vong ngoại viện do bệnh sởi biến chứng viêm phổi nặng.
Các chuyên gia cho biết, hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên cả nước, không chỉ ở đối tượng trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, dự phòng và nhận biết dấu hiệu bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp là việc làm vô cùng quan trọng.
Thận trọng biến chứng của bệnh sởi
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 – 18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều.
Một số triệu chứng điển hình của bệnh sởi bao gồm: Sốt cao; chảy nước mắt, nước mũi, ho khan, khàn tiếng; viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc.
Bên cạnh đó, ban sởi thường mọc vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh theo thứ tự: mọc từ đầu, mặt, cổ, dần lan đến ngực, lưng, cánh tay, rồi đến bụng, mông, đùi, chân. Khi phát ban hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần, trẻ hết sốt và ban bắt đầu bay.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ mắc sởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.
Cách phòng ngừa nguy cơ mắc sởi cho trẻ
Theo Cục Y tế dự phòng, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sởi. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
- Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.
Khi trẻ mắc sởi, cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc cho trẻ như sau:
- Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ.
- Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ mắc sởi cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
- Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
- Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý ngày 3 lần.
- Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng).
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A để tăng sức đề kháng cho trẻ.