Nước chấm của Việt Nam thuộc top ngon nhất thế giới có gì đặc biệt?

03/12/2024 07:34

Nước mắm tỏi ớt của Việt Nam nằm trong danh sách nước chấm ngon nhất thế giới.

Tháng 10, chuyên trang ẩm thực Taste Atlas công bố top 100 loại nước sốt ngon nhất thế giới và nước chấm của Việt Nam ở vị trí thứ 22 với 4,4 sao.

Bát nước chấm này thường được pha từ nước cốt chanh hoặc giấm, đường, nước lọc và nước mắm. Để tăng thêm phần hấp dẫn, bát nước chấm còn có các gia vị như ớt, tỏi, hành, gừng. Nước chấm có nhiều loại tùy thuộc vào từng vùng cũng như các món ăn đi kèm và chủ yếu dùng để chấm chả, giò, bánh xèo, các món thịt, hải sản.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, nước mắm là loại gia vị từ lâu đã gắn bó với đời sống người Việt Nam. Đây là gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn, đồng thời là niềm tự hào của người Việt Nam. Thiếu nước mắm thì sẽ mất đi sự thơm ngon của món ăn.

Nước mắm được làm từ nguyên liệu là cá và muối nên có nhiều axit amin. Trong 100g nước mắm cá có 35kcal; 5,1g protein; 0,01g lipid; 3,6g glucid; 43mg calci; 0,78mg sắt; 175mg magie; 288mg mangan.

Qua các nghiên cứu khoa học thấy trong nước mắm có 20 loại axit amin, đặc biệt 8 loại rất cần thiết cho cơ thể con người để tạo nên protid cho cơ thể mà không thể tổng hợp được các axit amin này.

Loại nước chấm của Việt Nam thuộc top ngon nhất thế giới, có gì đặc biệt? - Ảnh 1.
Nước móm tỏi ớt, loại nước chấm lọt top ngon nhất thế giới. (Ảnh minh họa)

Trong Y học cổ truyền, nước mắm vị mặn, ngọt, tính bình; vào kinh tỳ, thận, vị và đại tràng. Nước mắm ích khí bổ huyết, bổ can thận, thông huyết mạch, lợi niệu, nhuận tràng. Nước mắm dùng làm gia vị, khai vị trợ tiêu hóa. Dùng cho trường hợp trúng lạnh, trúng gió, co cứng chân tay, chuột rút, cứng hàm, suy kiệt, táo bón, thiếu máu.

PGS Lâm cho biết, nước mắm có nhiều axit amin và một số vi chất nhưng lại chứa nhiều muối. Dùng quá nhiều nước mắm sẽ dẫn tới thói quen ăn mặn. Vì vậy bạn nên giảm độ mặn trong nước mắm nên pha loãng bằng cách thêm chút chanh, ớt, tỏi để giảm độ mặn.

Đặc biệt, việc pha mắm với một chút tỏi, chanh, ớt sẽ giúp kích thích ngon miệng.

Nước mắm có giá trị dinh dưỡng nhất định. Tuy nhiên, khi dùng nước mắm vị chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, không nên lạm dụng, chấm đẫm nước mắm. Hiện người Việt Nam đang ăn lượng muối khoảng 9,5g/ngày, gần gấp 2 lần khuyến cáo của WHO. Do đó, để giảm ăn mặn nên chấm nhẹ tay.

Thói quen chấm đẫm, ăn đậm vị khiến dư thừa muối, tạo ra gánh nặng với tim, thận; từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan tới huyết áp, tim mạch, thận.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, lượng muối hằng ngày đối với người lớn là 5g muối (1 thìa cà phê gạt), trong đó 2g từ thực phẩm tự nhiên, 3g từ gia vị (muối, bột ngọt, bột nêm, nước mắm).