Từ ngày 1/1/2025, các loại giấy phép lái xe không thời hạn nào áp dụng theo luật mới?
Từ 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực trong đó có quy định các loại giấy phép lái xe không thời hạn. Đó là những loại giấy phép nào?
Giấy phép lái xe được cấp cho những đối tượng nào?
Tại Khoản 1 Điều 50 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về giấy phép lái quy định, giấy phép lái xe được cấp cho người điều khiển xe môtô, xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh tham gia giao thông đường bộ.
3 loại giấy phép lái xe không thời hạn từ ngày 1/1/2025
Theo khoản 1 và 5 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về thời hạn giấy phép lái xe như sau:
- Giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn;
- Giấy phép lái xe hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp;
- Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
Như vậy, từ 1/1/2025 các loại giấy phép lái xe không thời hạn gồm A1, A và B1.
Trong đó:
- Giấy phép lái xe hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW;
- Giấy phép lái xe hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
- Giấy phép lái xe hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Bao nhiêu tuổi được cấp giấy phép lái xe không thời hạn?
Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
- Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
- Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Theo quy định nêu trên, người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe không thời hạn (GPLX hạng A1, A, B1).
Giấy phép lái xe do cơ quan nào cấp?
Giấy phép lái xe (bằng lái xe) là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, cho phép người đó vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên đường bộ.
Căn cứ Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe gồm:
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước.
- Sở Giao thông vận tải: Cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.