Bác sĩ 'căng não' mổ lấy song thai cho sản phụ nặng 128kg

08/12/2024 14:51

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp béo phì nặng, nguy cơ về gây mê hồi sức cực kỳ lớn. Điều này ảnh hưởng đến sự an toàn của cả sản phụ và thai nhi trong bụng.

Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa phẫu thuật lấy thai thành công cho một sản phụ có cân nặng 128kg.

Cụ thể, sản phụ Đ.T.H.M mang song thai, có tiền sử nhập viện giữ thai tại khoa Sản bệnh A4 khi mang thai 28 tuần. Sau khi được điều trị ổn định, bệnh nhân ra viện.

Bác sĩ 'căng não' mổ lấy song thai cho sản phụ nặng 128kg- Ảnh 1.
Sản phụ đang được chăm sóc hậu phẫu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Theo chỉ định của ThS.BSCKII Trương Minh Phương – Phó trưởng Khoa Sản bệnh A4, bệnh nhân M nhập viện mổ lấy thai khi mang thai 36 tuần tuổi. Khi nhập viện bệnh nhân có cân nặng 128kg, chỉ số BMI lên tới 47kg/m2, cân nặng trước khi mang thai của bệnh nhân là 107kg.

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp béo phì nặng, nguy cơ về gây mê hồi sức cực kì lớn, đưa đến rất nhiều thách thức về gây mê, do đó cần phải có chiến lược và phương án dự phòng phù hợp để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ.

Do tình trạng béo phì, kim tê tủy sống không thể tiếp cận khoang dưới nhện để gây tê tủy sống, bệnh nhân được chỉ định gây mê nội khí quản. Đánh giá nguy cơ đặt nội khí quản khó, tụt bão hòa khi gây mê, ekip đã chuẩn bị các phương án dự phòng trong trường hợp đặt nội khí quản thất bại.

Cuối cùng, bệnh nhân cũng được đặt nội khí quản thành công. Kíp phẫu thuật đã thực hiện ca mổ đón hai em bé cân nặng 2500g, 2300g chào đời an toàn.

Cả cuộc mổ là một sự căng thẳng cho toàn bộ ekip, kết thúc ca mổ, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản. Sau mổ sản phụ tiếp tục được hồi sức tại phòng hậu phẫu.

Hệ lụy của béo phì khi mang thai 

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến béo phì ở phụ nữ mang thai là do người mẹ cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai hoặc trước khi mang thai đã bị thừa cân béo phì.

Béo phì gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe sản phụ và thai nhi. Sản phụ có thể bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, ngưng thở khi ngủ, nguy cơ tắc mạch sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn vết mổ…

Đối với trẻ sơ sinh rất dễ bị thai nhi quá lớn, sảy thai, mắc dị tật bẩm sinh ở tim hay dị tật ống thần kinh, sinh non, thai chết lưu (chỉ số BMI càng cao thì nguy cơ này càng lớn).

Để phòng tránh béo phì kéo theo các bệnh lý khi mang thai, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: Mức tăng cân của bà bầu trong thời gian 9 tháng lý tưởng nhất là từ 10-12kg. Sự tăng cân này nên theo các mức: Trong 3 tháng đầu tăng 1-2kg; 3 tháng giữa tăng từ 4-5kg và 3 tháng cuối tăng từ 5-6kg.

Cùng với đó, phụ nữ mang thai nên quản lý cân nặng của mình bằng nhiều cách, có thể áp dụng chỉ số BMI để kiểm tra và xác định được số cân nên tăng trong quá trình mang thai.

Với phụ nữ nhẹ cân (BMI dưới 19,8), mức tăng cân hợp lý khi mang thai là 12-18kg. Đối với phụ nữ cân nặng bình thường (BMI từ 19,8-26), khi mang thai tăng cân hợp lý từ 11-14kg.

Phụ nữ thừa cân (BMI từ 26-29) trong thời kỳ mang thai nên tăng cân hợp lý là từ 8-11kg. Với phụ nữ béo phì (BMI trên 29), mức tăng cân hợp lý ở thai kỳ là 8kg.

Khi mang thai đôi hoặc sinh ba, đây là trường hợp đặc biệt nên mức tăng cân hợp lý của bà mẹ là 15-20kg trong suốt thai kỳ.

Để giữ cân nặng phù hợp, ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, bà bầu cũng cần hoạt động thể chất nhẹ nhàng có lợi cho cả bản thân và thai nhi. Trên thực tế, tập thể dục giúp làm giảm đau lưng và táo bón, cũng như giữ cho bà bầu thân hình cân đối, có lợi cho việc chuyển dạ sinh con.