9 tác dụng phụ của thuốc nhất định không được bỏ qua
Các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra trong quá trình điều trị. Đa số các tác dụng phụ thường không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng một số tác dụng phụ của thuốc không bao giờ được bỏ qua...
Thuốc được sản xuất để giúp chữa lành cơ thể, làm giảm các triệu chứng, giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng… Tuy nhiên, chúng cũng có thể đi kèm với tác dụng phụ . Trong một số trường hợp, việc nhận biết và giải quyết kịp thời các tác dụng phụ này có thể là vấn đề sống còn của người bệnh.
Dưới đây là 9 tác dụng phụ của thuốc mà bạn cần lưu ý:
1. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng là tác dụng phụ cần lưu ý
Mặc dù hiếm gặp, một số người bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng ( sốc phản vệ ) sau khi dùng thuốc, đặc biệt đối với các thuốc kháng sinh penicillin hoặc sulfa... hoặc có thể do thành phần không hoạt tính có trong thuốc (như thuốc nhuộm nhân tạo). Đây là lý do tại sao người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ danh sách các loại dị ứng mà bạn gặp để cân nhắc khi dùng thuốc.
Các triệu chứng phản vệ thường bắt đầu ngay sau khi dùng thuốc, nhưng cũng có thể phát triển sau đó vài giờ gồm: Da đỏ hoặc ngứa, nổi mề đay ; sưng mặt, môi hoặc lưỡi; khó thở; đau bụng; nôn mửa hoặc tiêu chảy; nhịp tim nhanh ; chóng mặt…
Loại phản ứng này có thể tiến triển nhanh và đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
2. Phát ban hoặc thay đổi da
Một số phản ứng da khác nhau có thể xảy ra sau khi dùng thuốc, mặc dù hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng vẫn có thể xảy ra. Những phản ứng này có thể bao gồm hội chứng Stevens – Johnson (SJS), hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN) và phản ứng thuốc với tình trạng tăng bạch cầu ái toan với các triệu chứng toàn thân (DRESS).
Những phản ứng này thường liên quan đến phát ban với các triệu chứng khác trên toàn cơ thể, chẳng hạn như sốt, có thể phát triển vài tuần sau khi bắt đầu điều trị hoặc đôi khi là sau ngừng dùng một loại thuốc. Nếu bạn nhận thấy phát ban mới cùng với các triệu chứng mới khác, sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
3. Đau ngực
Đau ngực không phải lúc nào cũng có nghĩa là đau tim và không được bỏ qua. Trong trường hợp người bệnh đang dùng một số loại thuốc nhất định, cơn đau ngực không thuyên giảm có thể là điều đáng lo ngại. Mặc dù không phổ biến, một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ đau tim và nếu người bệnh có bệnh tim từ trước hoặc các yếu tố nguy cơ khác, cần dùng thuốc một cách thận trọng hoặc tránh hoàn toàn.
Nếu người bệnh bị đau ngực, đặc biệt là cơn đau dữ dội, không thuyên giảm hoặc ngày càng tệ hơn, hãy đi khám kịp thời.
4. Nhịp tim không đều
Một số loại thuốc có thể kéo dài thời gian tim cần để thiết lập lại giữa các nhịp đập. Đây được gọi là kéo dài QT (hoặc hội chứng QT kéo dài). Kéo dài QT có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về nhịp tim có khả năng đe dọa tính mạng.
Khoảng QT kéo dài không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể phát hiện ra trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, bạn nên đi khám ngay nếu bị nhịp tim nhanh, rối loạn…
5. Chảy máu
Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu để điều trị hoặc ngăn ngừa cục máu đông, chảy máu là tác dụng phụ thường gặp. Ví dụ về thuốc làm loãng máu bao gồm: Warfarin, apixaban, rivaroxaban, aspirin, clopidogrel… Khi dùng những loại thuốc này, bạn có thể thấy chảy máu nhẹ, chẳng hạn như bầm tím nhiều hơn, chảy máu nướu răng… Điều này không nhất thiết là nghiêm trọng, nhưng vẫn nên thông báo cho bác sĩ biết.
Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng hơn cũng có thể xảy ra và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, bao gồm: Chảy máu mũi, đặc biệt là nếu khó cầm máu; phân có máu hoặc màu đen; tiểu máu; đau đầu dữ dội; vết bầm tím bao phủ một phần lớn cơ thể…
Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng một số loại thuốc khác cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, thường xảy ra khi dùng nhiều hơn một loại thuốc hoặc kết hợp với thuốc làm loãng máu. Ví dụ: Ibuprofen, fluoxetine, venlafaxine…
6. Động kinh
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị động kinh, ngay cả khi bạn chưa từng bị động kinh trước đây. Điều này là do chúng có thể làm giảm ngưỡng động kinh, tức là khả năng bạn bị động kinh. Vì vậy, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, một số tương tác thuốc nhất định cũng có thể làm tăng nguy cơ co giật. ..
7. Buồn nôn dữ dội và đau dạ dày
Nhiều loại thuốc có thể gây buồn nôn, nôn, đau dạ dày và các tác dụng phụ khác ở đường tiêu hóa (GI). Mặc dù khó chịu, nhưng những tác dụng phụ này thường nhẹ và cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, đôi khi tác dụng phụ của GI có thể trở nên nghiêm trọng mặc dù hiếm gặp. Tình trạng này có thể chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng hơn từ thuốc, chẳng hạn như viêm tụy hoặc túi mật...
Đau dạ dày nghiêm trọng, ngày càng tệ hơn hoặc không khỏi cần phải đi khám. Vàng da và mắt có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tuyến tụy hoặc túi mật, cũng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng GI nào khác.
8. Thay đổi trạng thái tinh thần
Thay đổi trạng thái tinh thần là một tác dụng phụ khác của thuốc không nên bỏ qua với biểu hiện: Lú lẫn đột ngột, ảo giác , khó suy nghĩ hoặc ghi nhớ mọi thứ, kích động, hung hăng…
Những thay đổi về trạng thái tinh thần do thuốc thường không phổ biến, nhưng chúng có thể xảy ra nhiều hơn ở người lớn tuổi. Những thay đổi về trạng thái tinh thần có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả thuốc, nên phải giải quyết chúng ngay lập tức.
9. Thay đổi thị lực
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thị lực như mất thị lực đột ngột, nhìn đôi hoặc bất kỳ triệu chứng thị giác bất thường nào khác. Đôi khi những thay đổi về thị lực này có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn ngoài những tình trạng chỉ ảnh hưởng đến mắt.
Nếu bạn nhận thấy thị lực thay đổi cùng với cơn đau đầu mới, cần đi khám ngay lập tức.