Lễ cúng ông Công ông Táo và những quan niệm sai lầm ai cũng cần biết để tránh

19/12/2024 19:01

Dịp lễ cúng ông Công ông Táo, các gia chủ mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, an yên, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách thành kính, trang nghiêm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy cần tránh những quan niệm sai lầm sau:

Vị trí đặt lễ cúng ông Công ông Táo

Khi đặt lễ vật, mâm cúng ông Công ông Táo, nhiều người còn băn khoăn là đặt ở đâu cho đúng, đặt ở bàn thờ gia tiên hay đặt ở bếp. Về vấn đề này, nên có cách hiểu đúng để tránh đặt sai vị trí.

Đối với gia đình không lập bàn thờ ông Công ông Táo riêng thì mâm lễ cúng ông Công ông Táo được đặt nơi bàn thờ gia tiên. Theo quan niệm xưa, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc, nhưng tất cả các vị này đều phải được thờ phụng ở trên ban thờ chính của gia đình.

Theo truyền thống, trên bàn thờ các gia đình luôn có 3 bát hương và bát hương chính giữa bao giờ cũng đều dành để thờ các vị thờ thổ công, long mạch, táo quân, tiền chủ những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ, cầu giúp gia đình ăn ở yên ổn. Cùng với đó, hai bát hai bên mới là thờ các vị trong gia tiên, tiền tổ.

Lễ cúng ông Công ông Táo và những quan niệm sai lầm ai cũng cần biết để tránh- Ảnh 4.
Lễ cúng ông công ông táo tại khu vực bếp.

Nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp. Như vậy, trong trường hợp này lễ cúng ông Công, ông Táo cần phải được thực hiện ở trên ban thờ, nơi trang trọng của gia đình.

Đối với gia đình đặt bàn thờ ông Công ông Táo khu vực phòng bếp thì bàn thờ ông Táo đặt trong bếp có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp, thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc.

Với những nhà không có ban thờ Táo quân riêng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên để thực hiện nghi lễ cúng chính.

Chuẩn bị quá nhiều vàng mã

Hiện nay, khi kinh tế phát triển trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo nhiều gia đình không tiếc tiền sắm sửa mâm cao cỗ đầy, mua nhiều tiền vàng mã, xe... để tiễn ông Táo về chầu trời.

Theo phong tục từ ngàn xưa thì ông Công, ông Táo chỉ cưỡi cá chép nên việc cúng ông Công ông Táo bằng những đồ vàng mã mô tả những phương tiện, đồ vật hiện đại như: máy bay, điện thoại… thể hiện sự lệch lạc trong nhận thức của một số người. Việc làm này theo các chuyên gia phong thủy là không nên bởi vừa gây lãng phí, tốn kém vừa ảnh hưởng đến môi trường.

Lễ cúng ông Công ông Táo và những quan niệm sai lầm ai cũng cần biết để tránh- Ảnh 5.
Việc thờ cúng nói chung và bày lễ cúng ông Công ông Táo nói riêng thể hiện lòng thành tâm của gia chủ đối với các đấng thần linh.

Việc thờ cúng nói chung và bày lễ cúng ông Công ông Táo nói riêng thể hiện lòng thành tâm của gia chủ đối với các đấng thần linh. Lễ vật phải tùy vào điều kiện của từng nhà và phải đúng cách chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy, đồ cúng sang trọng đắt tiền mới là tốt.

Khấn xin tài lộc, sung túc trong lễ cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng ông Công ông Táo, 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, trong dịp này gia chủ cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo quân báo những việc tốt đẹp trong năm của gia đình với Ngọc Hoàng là được.

Thả cá chép không đúng cách

Sau khi kết thúc lễ cúng ông Công ông Táo, các gia đình tiến hành hóa vàng mã và mang cá chép thả xuống sông hồ. Việc thả cá chép ngoài việc cung cấp "phương tiện" cho ông Táo lên trời còn mang ý nghĩa phóng sinh, hướng thiện.

Chính vì thế, theo các chuyên gia nên chọn nơi nước sạch để cá có thể sống được. Khi thả cá không nên thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết. Nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo sau 12h trưa 23 tháng Chạp

Theo quan niệm dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp sẽ là thời hạn để ông Công, ông Táo "bay về trời" báo cáo với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, việc làm lễ cúng cần phải tiến hành trước giờ này.

Lễ cúng ông Công ông Táo và những quan niệm sai lầm ai cũng cần biết để tránh- Ảnh 6.
Thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là vào giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.

Thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là vào giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện gia đình, mọi người cũng có thể làm lễ cúng vào trưa và chiều ngày 22 hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Những điều cần làm trong lễ cúng ông Công ông Táo

Chuẩn bị

Lau dọn ban thờ sạch sẽ, đồ thờ cần được rửa sạch, bày biện ngay ngắn, thay nước trong chén cẩn thận; chuần bị lễ vật cúng cần thiết (có thể cúng chay hoặc mặn tùy quan niệm và điều kiện mỗi người); chuẩn bị văn khấn khi cúng.

Gia chủ cần ăn mặc kín đáo, sạch sẽ khi cúng để thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với các quan thần. Khi đọc văn khấn cần phải đọc với thái độ trang nghiêm, giọng đọc to, rõ ràng, rành mạch. Sau khi 2/3 tuần hương đã cháy hết, gia chủ mang lễ vật cúng (tiền vàng, áo mũ, hài) đi hóa và mang cá chép đi thả (nếu có).

Bày biện lễ vật cúng ông Công ông Táo ở nơi trang nghiêm, sạch sẽ

Việc cúng ông Công ông Táo sẽ tùy theo tập tục của địa phương. Nhưng theo quan niệm của đa số người Việt Nam, cúng bái luôn yêu cầu sự trang nghiêm nên lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng, sạch sẽ.

Việc cúng bái dù thịnh soạn hay đơn giản thì quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của gia chủ đối với các vị thần của gia đình.

* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.