Người đàn ông 69 tuổi ở Quảng Ninh bị sốc đa chấn thương được cứu sống nhờ cấp cứu báo động đỏ bệnh viện

26/12/2024 12:48

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã thực hiện quy trình cấp cứu báo động đỏ bệnh viện để cứu sống thành công người bệnh 69 tuổi bị sốc đa chấn thương.

Báo động đỏ bệnh viện cứu sống người bệnh sốc đa chấn thương

Ngày 26/12, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) thông tin, với sự cấp cứu khẩn trương và phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, các bác sĩ của bệnh viện đã vừa cứu sống thành công người bệnh 69 tuổi bị sốc đa chấn thương.

Người bệnh B.T.M. 69 tuổi (Phương Nam, Uông Bí, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng bị sốc đa chấn thương nguy kịch, huyết áp tụt 50/30mmHg. Ngay lập tức, người bệnh được đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, truyền máu cấp cứu, sử dụng thuốc vận mạch kiểm soát huyết áp. Kíp cấp cứu đã nhanh chóng kích hoạt "báo động đỏ" nội viện với sự có mặt của các bác sĩ chuyên khoa để cùng hội chẩn.

Nhận định người bệnh bị sốc đa chấn thương do tai nạn giao thông: Tụ máu dưới màng cứng, chảy máu khoang dưới nhện, dập phổi phải, gãy nhiều xương sườn (từ xương 1-5 bên phải và 9-11 bên trái), gãy hở 1/3 trên 2 xương cẳng chân 2 bên, gãy xương chậu phải. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp. Ca phẫu thuật diễn với sự tham gia của các bác sĩ Khoa Thần Kinh, Chấn thương chỉnh hình, hồi sức để vừa hồi sức trong mổ, vừa phẫu thuật cầm máu, xử trí tổn thương cho người bệnh.

Sau phẫu thuật người bệnh được hồi sức và chăm sóc điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực nội của bệnh viện. Hiện sức khỏe người bệnh ổn định và đang được chăm sóc phục hồi sau phẫu thuật.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, bệnh viện là tuyến cuối của tỉnh đã và đang cấp cứu và điều trị cho rất nhiều hợp sốc đa chấn thương. Việc tổ chức cấp cứu bá động đỏ với sự tham gia của nhiều chuyên khoa diễn ra nhanh chóng, chính xác, tận dụng được thời gian vàng trong cấp cứu, xử lý, kịp thời cứu sống nhiều người bệnh đột quỵ, ngừng tim, tai nạn, thương tích nặng,… trên địa bàn tỉnh.

Người đàn ông 69 tuổi ở Quảng Ninh bị sốc đa chấn thương được cứu sống nhờ cấp cứu báo động đỏ bệnh viện- Ảnh 2.
Sức khỏe người bệnh hiện ổn định. Ảnh BVCC

Báo động đỏ bệng viện là gì?

Quy trình báo động đỏ bệnh viện là xử trí cấp cứu tối khẩn cấp, áp dụng cho những trường hợp cấp cứu cần can thiệp mới hy vọng cứu sống bệnh nhân. Mục đích cuối cùng khi thực hiện quy trình này là cứu sống được bệnh nhân, đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Báo động đỏ bệnh viện là mức độ báo động cao nhất trong cấp cứu, cho phép huy động mọi nguồn lực tốt nhất của bệnh viện để có thể cấp cứu trong thời gian ngắn nhất với mục đích cuối cùng là cứu sống người bệnh, đưa họ thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Trước đây, trong quy trình cấp cứu truyền thống, để tiến hành một cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần đi từ các bước như khám bệnh, làm các xét nghiệm lâm sàng, chuẩn bị phòng mổ, sau đó mới đến phẫu thuật. Quy trình này mất khá nhiều thời gian. Xuất phát từ những điều trên, quy trình báo động đỏ bệnh viện đã ra đời và được coi là bước ngoặt trong cấp cứu, làm tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nguy kịch.

Các tình huống cần vận dụng quy trình báo động đỏ bao gồm:

1. Tai nạn thương tích: tình trạng nguy kịch, tai biến sản khoa, …

2. Cấp cứu bệnh lý: chỉ định can thiệp hoặc dùng thuốc khẩn

- Đột quỵ thiếu máu có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết

- Nhồi máu cơ tim có chỉ định can thiệp tái tưới máu …

3. Cấp cứu bệnh nhân điều trị nội trú đột ngột diễn tiến xấu đe dọa tính mạng.

Quy trình báo động đỏ được xây dụng dựa trên căn cứ về mô hình bệnh tật, năng lực chuyên môn kỹ thuật, phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng bệnh viện và được phân quyền cho bác sĩ trưởng kíp trực cấp cứu nơi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu được quyền kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện.

Người được quyền "phát tín hiệu đỏ" là bác sĩ cấp cứu và bác sĩ trực ngoại khoa mà không cần phải chờ xin ý kiến trưởng khoa hay trực lãnh đạo bệnh viện, nếu đánh giá cần phải mổ khẩn cấp. Các bác sĩ trong quy trình luôn mở điện thoại 24/24 giờ. Khi nhận được tín hiệu báo động, không cần biết là thời gian nào, đang ở đâu, không cần hỏi han dài dòng về tình trạng nhập viện của bệnh nhân, phải ngay lập tức có mặt tại phòng mổ.

Lợi thế quy trình báo động đỏ là y vụ huy động nhiều khoa, tập trung phương tiện, kỹ thuật cứu bệnh nhân trong thời gian vô cùng ngắn. Thay vì nhanh nhất là khoảng 30 phút như quy trình bình thường, "báo động đỏ" chỉ cần 5 - 10 phút là có thể chuyện bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên ngay phòng mổ.