Tinh giản biên chế là gì? Những ai thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định mới nhất?

27/12/2024 07:35

Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2025, sẽ tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Những ai thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định mới nhất?

Tinh gọn bộ máy: Thực hiện tinh giản biên chế năm 2025

Theo TTXVN, Bộ Nội vụ cho biết, theo Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị (về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026), Quy định số 70-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị) và Quyết định số 73-QĐ/TW (về biên chế của các bộ; cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các đơn vị sự nghiệp, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn 2022 – 2026), thống nhất trong quản lý và đến hết năm 2026 số biên chế tối đa bằng số Bộ Chính trị đã phê duyệt, bảo đảm theo lộ trình tinh giản biên chế của giai đoạn 2022-2026. 

Căn cứ các quy định này, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2023; báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để trình Bộ Chính trị cho phép điều chuyển, bổ sung biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

  • Quy định mới nhất chính sách tinh giản biên chế năm 2024

    Quy định mới nhất chính sách tinh giản biên chế năm 2024ĐỌC NGAY

Tại các quyết định giao biên chế giai đoạn 5 năm (2022 - 2026) cho các cơ quan của hệ thống chính trị, đã thực hiện giảm 5% biên chế công chức; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Bộ Nội vụ đã thẩm định số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính tại 29 bộ, ngành giai đoạn 2022 - 2026, giảm 17.736 biên chế, tương ứng giảm 14,84% so với số biên chế giao năm 2021.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gắn với việc phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Tính đến 30/10/2024, số biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương đã giảm theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).

Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan thuộc diện hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương khẩn trương xây dựng đề án, văn bản quy định liên quan đến sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Ban Chỉ đạo Chính phủ cho ý kiến và Bộ Chính trị trước ngày 31/12/2024.

Tinh giản biên chế là gì? Những ai thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định mới nhất?- Ảnh 2.
Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2025, sẽ tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Ảnh minh họa: TL

Tinh giản biên chế là gì?

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, tinh giản biên chế được hiểu là việc đưa những người đôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác ra khỏi biên chế.

Tuy nhiên, Nghị định 108/2014/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực từ ngày 20/7/2023 và được thay thế bằng Nghị định 29/2023/NĐ-CP.

Cán bộ, công chức, viên chức nào thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định 29?

Theo Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP thì những đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;

+ Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

+ Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

+ Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

+ Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

+ Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

+ Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

+ Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.

Nghỉ do tinh giản biên chế sẽ được hưởng chế độ, chính sách gì?

Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định đối tượng tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính thuộc các trường hợp quy định từ điểm a,b,c,d,đ,e,g,h Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.

Tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định về chính sách thôi việc ngay, cụ thể như sau: Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 5 Điều 5 Nghị định này nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tiền lương tính hưởng trợ cấp khi thôi việc ngay do tinh giản biên chế được xác định theo quy định tại Điều 10 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định như sau:

Tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế. Tiền lương tháng được tính bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận của hợp đồng lao động hoặc mức lương của người quản lý công ty; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.

Tiền lương bình quân là tiền lương tháng bình quân của 05 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản biên chế. Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 05 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác có đóng bảo hiểm xã hội, thì tiền lương tháng bình quân của toàn bộ thời gian công tác.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức bị tinh giản biên chế (không thuộc diện về hưu trước tuổi) sẽ được hưởng trợ cấp bằng 3 tháng tiền lương theo mức lương hiện hưởng để tìm việc làm mới và 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.