Hai vị trí cần giữ ấm nhất trong mùa đông

28/12/2024 18:31

Đột quỵ là bệnh lý ở não và không thể sơ cứu bằng các biện pháp thông thường như chích lể, sấy làm ấm. Người bệnh cần cấp cứu tại cơ sở y tế chuyên khoa đột quỵ.

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện bài viết liên quan đến đột quỵ được nhiều người chia sẻ với nội dung: “Khi cảm thấy tê yếu đau cánh tay phải cố gắng ho thật mạnh. Người thân lấy ngay máy sấy tóc làm ấm phần gáy lên đến đoạn đầu và toàn thân để đánh tan cục máu đông. Chích lể để giải tỏa áp lực máu”. Xin chuyên gia tư vấn biện pháp này có đúng không? Phòng đột quỵ trong mùa đông như thế nào? (Lê Dung - Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tiến sĩ Bùi Long, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) tư vấn:

Đột quỵ do tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột. Hậu quả là các tế bào vùng não chết dần, dẫn đến mất chức năng thần kinh.

Khi tắc nghẽn mạch máu lớn, theo thời gian, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn có thể dẫn đến hiện tượng phù nề gây ảnh hưởng ý thức, hôn mê. Nặng hơn và thêm thời gian là hiện tượng chèn ép, gây thoát vị não, ảnh hưởng đến vùng thân não.

Tại miền Bắc, khi nhiệt độ giảm sâu, số bệnh nhân cấp cứu tăng đột biến. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, có ngày số ca đột quỵ tăng lên gấp đôi.

Các dấu hiệu của đột quỵ khá rõ ràng, không giống với trúng gió. Nếu thấy người thân có các dấu hiệu yếu liệt nửa người, méo miệng và nói ngọng nên đưa đi cấp cứu ngay.

Trường hợp bạn chia sẻ trên có thể là các biểu hiện co cứng cơ khiến bạn cảm thấy tê mỏi tay chân, gáy. Khi đó, bạn xoa bóp hay dùng máy sấy làm ấm, mềm cơ giúp lưu thông khí huyết tốt hơn. Nhưng với đột quỵ, bạn không được phép áp dụng biện pháp sơ cứu bao gồm sấy, cho uống thuốc, nặn máu đầu ngón tay, chích lể... Người bệnh cần cấp cứu tại chuyên khoa đột quỵ.

Nguyên nhân số ca đột quỵ vào mùa đông tăng hơn

Vào mùa đông, số ca đột quỵ cao hơn mùa hè do thời tiết lạnh thúc đẩy sự hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ trái của tim, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ trên bệnh nhân rung nhĩ.

Ngoài ra, thời tiết lạnh khiến cho các mạch máu co lại, dễ khiến huyết áp tăng - yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ xuất huyết não. Máu cũng có xu hướng đặc và dính hơn khi thời tiết lạnh, điều này làm cho cục máu đông dễ xuất hiện hơn, gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ. Bên cạnh đó, phản ứng của cơ thể khi nhiệt độ giảm có xu hướng gây áp lực cho tim khi cố kìm hãm để bảo toàn nhiệt và năng lượng.

Đột quỵ thường xảy ra ở một số đối tượng như: người có các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, cholesterol cao; người hút thuốc lá hoặc sử dụng rượu bia.

Người có yếu tố trên đặc biệt là người cao tuổi hoặc từng bị đột quỵ cần hạn chế đối đa nguy cơ do nhiệt độ lạnh tác động lên cơ thể.

Các biện pháp phòng ngừa

- Làm ấm cơ thể, theo bác sĩ Long, 2 vị trí cần làm ấm được ưu tiên nhất là đầu và cổ.

- Hằng ngày, người có bệnh nền hạn chế ra ngoài, tránh chênh lệch nhiệt độ quá đột ngột như khi tắm, ngủ dậy. Khi thức dậy, bạn nên để cơ thể thích nghi với nhiệt độ phòng, không tốc chăn ngay. Tắm nước ấm, không tắm quá khuya hoặc sáng sớm. Nên lau khô cơ thể và sấy khô tóc sau khi tắm xong.

- Duy trì tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần, đặc biệt là suốt những tháng lạnh. Ăn uống lành mạnh, hạn chế bia rượu và thuốc lá.

- Cố gắng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Người bị cao huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường nên thường xuyên kiểm tra và kiểm soát các chỉ số này.

Hai vị trí cần giữ ấm nhất trong mùa đông - Ảnh 1.