Tin sáng 4/1: Dùng điện thoại khi điều khiển ô tô bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng; Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới
Nghị định 168/2024 đã tăng mức xử phạt với hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô; Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí do hệ thống theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận...
Dùng điện thoại khi điều khiển ô tô bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng
Từ 1/1/2025, Nghị định 168/2024 của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, nhiều lỗi vi phạm bị tăng mức phạt, trong đó có hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô, xe máy.
Cụ thể, hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô (các loại xe chở người 4 bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự).
Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự thì sẽ bị phạt từ 8 trăm nghìn đến 1 triệu đồng.
Với hành vi điều khiển xe máy mà sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) cũng bị xử phạt từ 8 trăm nghìn đến 1 triệu đồng.
Theo Nghị định 100/2019 trước đây, mức phạt cho lỗi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông với người điều khiển ô tô là 2-3 triệu đồng, xe máy là 8 trăm nghìn - 1 triệu đồng.
Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới
Ngày 3/1, một màu tím bao trùm toàn bộ Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đây là ngưỡng ô nhiễm rất nghiêm trọng với khuyến cáo mọi người nên hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời, cần đeo khẩu trang chống bụi mịn khi ra ngoài, rửa mắt, mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý, thông tin trên báo Tiền Phong.
Tại Thủ đô Hà Nội, cả ba hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PAM Air và Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận mức độ ô nhiễm màu tím. Trong khi 4 điểm đo ở Thái Nguyên phổ biến ở mức tím và đỏ. Các điểm đo khác ở Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cũng ở mức tím.
Ô nhiễm cũng ghi nhận nghiêm trọng ở các địa phương có hoạt động làng nghề, sản xuất công nghiệp phát triển như Vĩnh Phúc, Phú Thọ với ngưỡng ô nhiễm từ đỏ tới tím.
Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới sáng nay, vượt qua cả những điểm đen ô nhiễm không khí của thế giới như thành phố Lahore của Pakistan hay Delhi của Ấn Độ.
Điều nguy hiểm trong các đợt ô nhiễm không khí lần này là ô nhiễm thường kéo dài cả ngày, làm gia tăng tác động của ô nhiễm đến sức khoẻ của con người.
Theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội còn có thể kéo dài ít nhất trong một tuần tới, khi điều kiện khí tượng tiếp tục không thuận lợi cho việc phát tán chất ô nhiễm.
Theo quy luật, tình hình ô nhiễm không khí chỉ được cải thiện khi có gió mùa đông bắc tràn về. Những ngày này, chất lượng không khí được cải thiện nhưng liền sau đó, các đợt ô nhiễm không khí thường tiếp tục tái diễn và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mọi người, nhất là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vào thời gian này, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên chất ô nhiễm không phát tán được mà tập trung ở tầng sát mặt đất, gây ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.
Nổ tàu chở dầu trên sông Bôi
Theo Vietnamnet, ngày 3/1, thông tin từ UBND xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ nổ khiến 3 người bị thương.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 10h sáng cùng ngày, tại thôn Liên Minh, khi nhóm công nhân đang làm vệ sinh, bảo dưỡng trên tàu chở dầu đang neo đậu trên sông Bôi thì bất ngờ phát nổ và bốc cháy ngùn ngụt.
Sự việc đã khiến 3 người bị thương. Những người bị thương sau đó đã được đưa vào trạm y tế sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường tiến hành dập lửa và xác định danh tính các nạn nhân.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Vé máy bay ngày Tết vừa hiếm vừa đắt
Trên trang đặt vé của Vietnam Airlines, ngày đầu nghỉ Tết (25/1) chặng Hồ Chí Minh đi Hà Nội chỉ còn vé hạng thương gia, với giá 9.802.000 đồng.
Vé phổ thông đã hết, chỉ còn vé phổ thông đặc biệt với mức giá 5.361.000 đồng. Hạng vé này cũng chỉ còn lác đác 3 đến 4 chuyến, mỗi chuyến còn 2, 3 ghế.
Hãng Vietjet, trong ngày đầu nghỉ Tết (25/1) cùng chặng bay trên chỉ còn các chuyến bay đêm. Giá vé máy bay rẻ nhất là 3.650.000 đồng bao gồm cả thuế phí.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp cuối năm, Bộ GTVT đã chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các lực lượng an ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay.
Chỉ đạo các cảng vụ hàng không phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn cảng hàng không chú trọng kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế địa phương. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên các chuyến bay, tại các khu vực dịch vụ của cảng hàng không.
Phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT và các lực lượng chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các tuyến đường xung quanh khu vực cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Bố trí vị trí đỗ thuận lợi cho các tuyến xe buýt đang hoạt động tại Cảng hàng không để hành khách dễ dàng nhận biết và sử dụng dịch vụ xe buýt, đặc biệt là tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an ninh, an toàn khai thác, chất lượng dịch vụ của các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không.
Chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tăng cường nhân lực, phương tiện trong khu vực cảng để thực hiện nhanh nhất công tác trả hành lý cho hành khách, tăng cường công tác thông tin tại các cảng hàng không để hành khách biết và lấy hành lý đúng khu vực quy định, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, đặc biệt chú trọng đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các đơn vị có hoạt động vận chuyển mặt đất (xe tra nạp xăng dầu, xe chở thức ăn, xe chở khách/chở hàng…) tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trong khu vực cảng.
Người đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay sẽ bị phạt
Theo Công ty Luật TNHH Youme, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã bổ sung mức phạt đối với hành vi đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay nhằm phù hợp với quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, thông tin trên Lao Động.
Theo đó, trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay. Trường hợp người đi bộ đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định nêu trên thì sẽ chịu mức phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng.
Người đi bộ có hành vi vi phạm sau đây cũng sẽ bị phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng:
- Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định.
- Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
- Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng:
- Đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
- Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông.
- Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, người đi bộ phải tuân thủ các quy định sau đây:
- Phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình.
- Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ. Trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay.
- Không được vượt qua dải phân cách, đu, bám vào phương tiện giao thông đường bộ đang di chuyển; khi mang, vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.