Lý do bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi chậm?
Theo VARS, trong khi nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục "bung hàng' ra thị trường, thì niềm tin của nhà đầu tư đối với bất động sản nghỉ dưỡng vẫn bị ảnh hưởng bởi pháp lý và thời hạn sử dụng của sản phẩm này.
Trong báo cáo mới được Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố, trong năm 2024, toàn thị trường bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng ghi nhận khoảng 4.400 sản phẩm mới mở bán, tăng 40% so với năm 2023, song mới bằng 24% so với năm 2018.
Nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao tầng, chiếm đến 85%. Các dự án mở bán đều được phát triển theo hướng đa dạng hóa loại hình và dịch vụ, tiện ích nhằm đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu của người mua sau đại dịch.
Bên cạnh đó, nhiều dự án vẫn phải tạm dừng, rời thời gian triển khai bán hàng để hoàn tất các thủ tục liên quan đến pháp lý. Nhiều dự án không dám ra hàng vì e ngại phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng trên thị trường thứ cấp.
Theo VARS, nhu cầu mua BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có sự phân hóa rõ rệt. Cụ thể, nhóm khách hàng cao cấp, có tiềm lực tài chính mạnh tìm kiếm các sản phẩm sở hữu lâu dài như biệt thự biển tại điểm đến nổi tiếng, có hệ thống dịch vụ, tiện ích, thương hiệu quản lý vận hành quốc tế... Qua đó, vừa phục vụ mục đích nghỉ dưỡng cá nhân, vừa có thể đầu tư dài hạn.
Nhìn chung, VARS nhận định nhu cầu đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn đang chờ nguồn cung từ các chủ đầu tư đủ uy tín, cùng với đó hạn chế các rủi ro về pháp lý được khắc phục vởi quy định pháp luật mới.
Theo ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes, khách hàng ngày càng có sự thận trọng hơn trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn dự án. Giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án condotel với giá bán dưới 3 tỷ đồng/căn, các sản phẩm nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài phục vụ mục đích lưu trú tại các khu vực có du lịch phục hồi mạnh.
"Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực tác động đến tốc độ phục hồi của Bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có sự tăng trưởng mạnh của lượng khách du lịch quốc tế và các biện pháp thúc đẩy du lịch của Chính phủ. Tuy nhiên, thực trạng dư thừa nguồn cung nghỉ dưỡng cao cấp, vướng mắc pháp lý vẫn đang là những yếu tố gây cản trở đến sự phục hồi của phân khúc này", ông Chung cho hay.
Dự báo về diễn biến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong năm 2025, đại diện VARS cho rằng phân khúc này sẽ có thêm tín hiệu tích cực. Lực cầu trong năm 2025 dự kiến tiếp tục được cải thiện khi hành lang pháp lý hoàn thiện trong bối cảnh du lịch, bán lẻ phục hồi tích cực. Biệt thự nghỉ dưỡng lâu dài hoặc căn hộ du lịch tại những dự án có phương án vận hành rõ ràng ở các tỉnh, thành có du lịch phát triển vẫn sẽ được quan tâm nhiều.
Dự báo giá bán sơ cấp vẫn ở mức cao, song sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn. Giá bán biệt thự nghỉ dưỡng đi ngang tại một số nơi dư thừa nguồn cung cao cấp. Giá biệt thự nghỉ dưỡng lâu dài tại các khu vực du lịch trọng điểm tiếp tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm nhờ dòng tiền cho thuê bền vững.
Ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property cho rằng, trong ngắn và trung hạn thị trường BĐS du lịch còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Lối thoát cho phân khúc này là nên mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà, cơ chế thông thoáng trong miễn thị thực du lịch và đối với những dự án không phù hợp làm du lịch thì nên chuyển đổi sang nhà ở để tránh lãng phí, tháo gỡ khó khăn cho cả chủ đầu tư và khách hàng.
Xem thêm video được quan tâm: