Vô lăng ô tô rung lắc: Nguyên nhân và cách khắc phục

Minh Phương(tổng hợp) 06/01/2025 13:53

Trong quá trình ô tô di chuyển, nhiều tài xế gặp phải hiện tượng vô lăng bị rung lắc, vậy đâu là nguyên nhân và cách khắc phục thế nào?

Vô lăng là một trong những bộ phận quan trọng trong hệ thống lái xe ô tô. Trong một số trường hợp, tài xế gặp phải hiện tượng vô lăng bị rung lắc khi di chuyển ở tốc độ cao. Đây là dấu hiệu cho thấy có sự cố nào đó trong hệ thống khung gầm hoặc lốp xe. Chủ xe cần tìm hiểu nguyên nhân để có cách khắc phục hiệu quả.

Nguyên nhân khiến vô lăng ô tô rung lắc

Bánh xe lắp không đúng cách

Khi vô lăng có hiện tượng rung lắc, nên kiểm tra bộ phận lốp xe. Nếu lốp xe bị sai lệch vị trí, hư hỏng sẽ gây mất cân bằng giữa các bánh xe. Từ đó, tài xế cảm nhận rõ độ rung tay lái khi di chuyển với tốc độ 60 km/giờ trờ lên.

Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng, lực căng của các bánh xe không còn đồng đều hoặc bề mặt lốp mòn không đều cũng gây ra hiện tượng rung lắc vô lăng.

Hệ thống treo

Hệ thống treo là bộ phận giúp ô tô vận hành êm ái. Hệ thống treo loại bỏ những dao động thẳng đứng giúp hạn chế ảnh hưởng của cơ học đến các chi tiết kim loại và khung khi đi qua đoạn đường gồ ghề.

Hiện tượng rung lắc vô lăng có thể xảy ra do các chi tiết của hệ thống treo bị ăn mòn như thanh chống, các rãnh...

Phanh có vấn đề

Vô lăng ô tô rung lắc có thể do đĩa phanh bị cong, vênh. (Ảnh: Progressive)
Vô lăng ô tô rung lắc có thể do đĩa phanh bị cong, vênh. (Ảnh: Progressive)

Đĩa phanh bị cong, vênh hoặc mòn không đều khiến má phanh không siết chặt vào đĩa phanh hay đĩa phanh bám nhiều bùn đất có thể là nguyên nhân gây rung lắc tay lái.

Khoang động cơ vận hành không ổn định

Vô lăng ô tô rung lắc hoặc giật mạnh có thể do trục trặc trong khoang động cơ như lọc không khí, lọc bugi bám bụi bẩn, dây bugi lỏng lẻo...

Cách khắc phục vô lăng bị rung lắc

Siết chặt và cân bằng lốp

Độ căng của lốp không chuẩn làm suy giảm độ bám đường trên bánh xe, khiến 4 bánh xe hoạt động không đều, gây rung lắc vô lăng. Do đó, nên đưa xe tới trung tâm sửa chữa uy tín để đảo lốp sau khoảng 5.000 - 10.000 km di chuyển. Ngoài ra, chủ xe có thể lắp thêm bộ cảm biến áp suất để theo dõi áp suất lốp.

Bảo dưỡng chân cao su

Sau một thời gian sử dụng, đệm cao su bên trong chân máy ô tô sẽ bị mài mòn khiến xe di chuyển không êm, gây va chạm giữa các bộ phận trong động cơ, tác động lên phần khung xe, dẫn tới rung lắc vô lăng.

Với trường hợp này, nên kiểm tra chất lượng hoạt động của chân máy, nếu phát hiện chân cao su bị mài mòn, hãy thay mới.

Kiểm tra Rotuyn

Rotuyn ô tô là chi tiết quan trọng trong hệ thống dẫn lái. Rotuyn cũng có thể được hiểu là khớp cầu - bộ phận tác động và điều hướng cho bánh xe.

Nếu cánh quạt của Rotuyn bị lỗi, vô lăng sẽ rung. Vì vậy, chủ xe cần kiểm tra Rotuyn và khắc phục nếu thấy lỗi.

Minh Phương(tổng hợp)

Minh Phương(tổng hợp)