Sự thực về 'siêu thực phẩm' và 8 loại thực phẩm được các chuyên gia đánh giá cao
Những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao thường được gắn với tên gọi 'siêu thực phẩm'. Sự thật về chúng ra sao?
Có tồn tại "siêu thực phẩm"?
Thông tin từ Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết: Thuật ngữ "siêu thực phẩm" được sử dụng để định nghĩa các thực phẩm có hàm lượng cao các chất dinh dưỡng cụ thể (chất chống oxy hóa, vitamin hoặc khoáng chất) và các lợi ích sức khỏe bổ sung.
Tuy nhiên, không có định nghĩa khoa học nào được chấp thuận cho siêu thực phẩm. Thực phẩm được dán nhãn là "siêu thực phẩm" khi có tuyên bố rằng nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cùng lúc hoặc giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Một số nghiên cứu đã đánh giá lợi ích sức khỏe của siêu thực phẩm. Các peptide hoạt tính sinh học có trong các loại cây lương thực khác nhau như ngô, đậu thường, hạt rau dền, hạt diêm mạch và hạt chia được biết đến là có nhiều đặc tính, bao gồm các đặc tính chống tăng huyết áp, chống cholesterol, chống viêm, chống ung thư và chống oxy hóa. Do đó, những thực phẩm này được chỉ định là "siêu thực phẩm" và thường được đưa vào công thức thực phẩm.
Tuy nhiên, có một số nghiên cứu chỉ ra rằng siêu thực phẩm thường bị thổi phồng quá mức và dữ liệu khoa học khẳng định đặc tính ngăn ngừa bệnh tật của một số siêu thực phẩm phần lớn là không nhất quán và không có kết luận.
Khi lựa chọn các chất dinh dưỡng tốt nhất cho chế độ ăn uống, cần lưu ý không có loại thực phẩm nào đủ để cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho cuộc sống khỏe mạnh. Quá chú trọng vào siêu thực phẩm có thể coi nhẹ các loại thực phẩm lành mạnh khác giàu dinh dưỡng hơn.
Theo “Mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030" của Bộ Y tế nhấn mạnh, ăn đủ, cân đối và đa dạng các loại thực phẩm hằng ngày; phối hợp hợp lý thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Sử dụng hằng ngày các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; các loại rau, củ, quả có màu sắc khác nhau. Đọc kỹ thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng...
Những loại "siêu thực phẩm" nên được đưa vào bữa ăn mỗi ngày
Hạt diêm mạch là một loại carbohydrate phức hợp ít calo, không chứa gluten, chỉ số GI thấp. Nó chứa 8 loại axit amin và giàu chất xơ. Đặc biệt, nó không chứa gluten nên nó là một sự thay thế tuyệt vời cho lúa mì hoặc ngũ cốc.
Kỷ tử chứa tất cả 18 axit amin cũng như lượng lớn vitamin A, B1, B2, B6 và vitamin E, và tính theo gam, chúng chứa nhiều sắt hơn rau bina và nhiều vitamin C hơn cam.