Tin tối 9/1: Thời tiết diễn biến xấu do không khí lạnh; Mức phạt vi phạm giao thông với xe máy tăng mạnh từ 2025

09/01/2025 18:01

Cơ quan khí tượng tiếp tục phát đi cảnh báo tình trạng mưa dông gió mạnh kèm sóng lớn trên khu vực Biển Đông do không khí lạnh tăng cường; Theo Nghị định 168, mức phạt vi phạm giao thông với xe máy tăng mạnh từ 2025...

Dự báo diễn biến thời tiết xấu do không khí lạnh

Tin tối 9/1: Thời tiết diễn biến xấu do không khí lạnh; Mức phạt vi phạm giao thông với xe máy tăng mạnh từ 2025- Ảnh 1.
Không khí lạnh tăng cường sẽ gây thời tiết xấu ở nhiều vùng biển thuộc Biển Đông. Trên đây là hình ảnh lớp hướng gió trên biển cập nhật hồi 11h ngày 9.1. Ảnh: Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông và phía tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7; trạm Huyền Trân có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8.

Ngày và đêm 9/1, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 3 - 5m.

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và phía tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9; từ đêm gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4,5m.

Chiều và đêm 9/1, Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 1,5 - 3,5m.

Vùng biển Quảng Trị đến Phú Yên và khu vực giữa biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4,5m.

Đêm 9/1, vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4,5m.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển phía nam khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ngày và đêm 10/1, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao 4 - 6m.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao 3 - 5m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4m.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

Các mức phạt vi phạm giao thông mới với xe máy từ 2025

Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.

Theo Nghị định 168, từ ngày 1/1/2025, các mức phạt vi phạm giao thông với xe máy có nhiều thay đổi.

Các mức phạt này được quy định tại Điều 7, Nghị định 168 về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Trong số các mức phạt hành vi vi phạm giao thông với xe máy, 8 mức phạt dưới đây có sự tăng mạnh so với Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe tùy theo các hành vi vi phạm.

Tin tối 9/1: Thời tiết diễn biến xấu do không khí lạnh; Mức phạt vi phạm giao thông với xe máy tăng mạnh từ 2025- Ảnh 2.
Tin tối 9/1: Thời tiết diễn biến xấu do không khí lạnh; Mức phạt vi phạm giao thông với xe máy tăng mạnh từ 2025- Ảnh 3.

Giá xăng dầu đồng loạt bật tăng từ chiều 9/1

Tin tối 9/1: Thời tiết diễn biến xấu do không khí lạnh; Mức phạt vi phạm giao thông với xe máy tăng mạnh từ 2025- Ảnh 4.
Ảnh minh họa

Trong phiên điều chỉnh hôm nay ngày 9/1, giá xăng E5 RON 92 tăng so với kỳ điều chỉnh trước, có giá 20.431 đồng/lít (tăng 374 đồng/lít). Giá xăng RON 95-III tăng so với kỳ điều chỉnh trước, có giá 21.019 đồng/lít (tăng 273 đồng/lít).

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng. Trong đó, dầu diesel 0.05S có giá 19.243 đồng/lít (tăng 488 đồng/lít); dầu hỏa có mức giá mới là 19.244 đồng (tăng 410 đồng/lít); dầu mazut có giá 16.182 đồng/kg (tăng 83 đồng/kg).

Cũng trong kỳ điều hành hôm nay, nhà điều hành không trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu - BOG đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.

Trước đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong phiên điều chỉnh ngày 2/1 như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.057 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 20.746 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 18.755 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 18.834 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 16.099 đồng/kg.

Nam giới Việt kết hôn muộn hơn nữ 4 năm, sống thọ ít hơn 5 tuổi

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, chỉ sau 5 năm, số lượng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) ở nước ta tăng thêm 2,8 triệu người, đạt 14,2 triệu (mỗi năm tăng trung bình 560.000 người).

So với tổng dân số hơn 101,1 triệu người, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta hiện khoảng 14%. So với 10 năm trước, số người từ 60 tuổi trở lên tăng thêm 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần).

Là nước có tốc độ già hóa thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, trong khi mức sinh ngày càng giảm, số người cao tuổi ở nước ta tăng rất nhanh.

Hồi tháng 6/2024, Tổng cục Thống kê cũng công bố tuổi thọ trung bình của người Việt năm 2023 là 74,5 tuổi, tăng vọt so với các năm trước đó (khoảng 73,7 tuổi). Trong kết quả Điều tra Dân số và nhà ở năm 2024 mới ban hành, tuổi thọ bình quân của cả nước là 74,7 tuổi, tiếp tục gia tăng so với năm trước.

Số liệu mới nhất cho thấy tuổi thọ của nam giới Việt Nam là 72,3 tuổi, của nữ giới là 77,3 tuổi. So với năm 2019, tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của Việt Nam đã tăng lên 1,1 năm. Mức tăng tuổi thọ của nam giới cao hơn so với mức tăng của phụ nữ, tương ứng là 1,3 năm và 1 năm.

Ở góc độ khoa học, lý giải nguyên nhân khiến đàn ông sống không thọ như phụ nữ, ngoài yếu tố sinh lý, thói quen sống và ý thức chăm sóc sức khoẻ cũng ảnh hưởng lớn.

Cũng theo số liệu điều tra, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên từng kết hôn là 74,9%. Với tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên, phổ biến nhất là "có vợ/có chồng" (65,3%).

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt là 27,3, tăng 2,1 năm so với năm 2019, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,2 năm (tương ứng là 29,4 năm và 25,2 năm).

Phụ nữ ở khu vực thành thị kết hôn muộn hơn đáng kể so với nữ ở khu vực nông thôn, chênh lệch tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ thành thị cao hơn của nữ nông thôn là 2,7 năm (26,8 năm so với 24,1 năm).

Trong công bố hồi tháng 6/2024, Tổng cục Thống kê cho biết tuổi kết hôn lần đầu của thanh niên Việt Nam năm 2023 là 27,2 tuổi (nữ là 25,1 và nam là 29,3 tuổi). Như vậy, người Việt ngày càng kết hôn muộn.

Thanh niên TPHCM kết hôn muộn nhất cả nước. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại thành phố này là 30,4 - cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. So với năm 2019, con số này tăng gần 3 năm.

Chế độ tiền thưởng cho người lao động theo Nghị định 73

Tin tối 9/1: Thời tiết diễn biến xấu do không khí lạnh; Mức phạt vi phạm giao thông với xe máy tăng mạnh từ 2025- Ảnh 5.
Theo Nghị định 73 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (người lao động) được áp dụng chế độ tiền thưởng với các quy định cụ thể. Ảnh minh họa

Theo Nghị định 73 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (người lao động) được áp dụng chế độ tiền thưởng với các quy định cụ thể.

Thứ nhất, cơ quan quản lý lao động thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 73.

Chế độ tiền thưởng được dùng để thưởng đột xuất theo thành tích công tác và thưởng định kỳ hằng năm theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người hưởng lương trong cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, người đứng đầu đơn vị lực lượng vũ trang theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý hoặc được phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng Quy chế cụ thể để thực hiện chế độ tiền thưởng áp dụng đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị; gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, kiểm tra và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, Nghị định 73 quy định, quỹ tiền thưởng hàng năm nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, đến hết ngày 31/1 của năm sau liền kề, nếu cơ quan, đơn vị không sử dụng hết quỹ tiền thưởng của năm thì không được chuyển nguồn vào quỹ tiền thưởng của năm sau.

Nghị định số 73 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, như vậy, nếu xét thưởng lao động của năm 2024, người lao động sẽ được xét thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm trong 6 tháng (từ 1/7 - 31/12/2024).