Kiếm hàng trăm triệu đồng/tháng - nghề hốt bạc dịp Tết mỗi năm chỉ có 1 lần
Chỉ trong 1 tháng giáp Tết Nguyên đán, người thợ cắm hoa lan có thể đút túi hàng trăm triệu đồng do nhu cầu thuê quá lớn.
Đang miệt mài cắm hoa lan vào chậu cho một cơ sở kinh doanh hoa Tết trước khu vực sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Hoàng Văn Phúc, người đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề này cho biết mỗi ngày anh có thể cắm từ 300 đến 500 cành hoa.
“Đội của tôi có 17 người, chia nhau ra cắm ở một số điểm trong nội thành Hà Nội. Với thợ cứng, chúng tôi được trả công 15.000 đồng cho một cây hoa lan được cắm” , anh Phúc nói.
Như vậy, với khoảng 300-500 cây hoa lan được cắm lên chậu mỗi ngày, anh Phúc nhận về 4,5 - 7,5 triệu đồng. Anh Phúc và đội của mình xuống Hà Nội làm việc từ ngày 2/12 âm lịch và dự kiến sẽ làm đến hết ngày 29/12 (30 Tết Nguyên đán 2025).
“Với khoảng 27 ngày công, tôi sẽ có thu nhập cao nhất hơn 200 triệu đồng. Ngày thường chúng tôi làm các việc khác và chỉ đến Hà Nội làm công việc cắm hoa lan trong tháng giáp Tết. Đây cũng là thời điểm thu nhập cao nhất trong năm của chúng tôi”, anh Phúc nói.
Là người có kinh nghiệm nhất, anh Phúc được các thành viên trong đội bầu là đội trưởng hay thợ chính và gọi với danh xưng “nghệ nhân”. Mới đây, anh Phúc đã dành ra 3 ngày để hoàn thành tác phẩm “Rồng vàng lan ngọc” với 2.868 cây hoa lan hồ điệp Đà Lạt được trồng trên chậu dát vàng.
“Tôi cùng 2 người khác đã mất 3 ngày mới trồng xong chậu cây lan lớn nhất Việt Nam này. Dù thời gian trồng lâu khiến tôi thấy khá mệt mỏi nhưng khi nhìn thấy tác phẩm của mình được hoàn thành vô cùng đẹp mắt, chúng tôi cũng rất vui và có thêm động lực để sáng tạo các tác phẩm khác” , anh Phúc kể.
Theo anh Phúc, quy trình cắm một chậu hoa lan gồm 3 bước. Đầu tiên, người thợ cần tìm chậu cây phù hợp, phác thảo ý tưởng. Sau đó đến công đoạn vào gỗ, thép tạo dáng ban đầu cho cả chậu cây. Bước cuối cùng, người thợ cần tỉ mỉ cắm các cây hoa vào vị trí phù hợp để tạo thành tác phẩm theo mong muốn.
“Không có một lý thuyết cụ thể nào, bởi thế mỗi một tác phẩm được chúng tôi cắm đều không giống nhau mà mang những vẻ đẹp riêng, giá trị nghệ thuật riêng”, anh Phúc nói.
Do tiền công được trả theo số lượng cây hoa được cắm trong ngày nên anh Phúc và đồng nghiệp luôn cố gắng tăng ca vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, dù làm ngày làm đêm, nhưng số lượng cây hoa được cắm cũng sẽ chỉ giới hạn trong khoảng 500 cây mỗi ngày.
“Công việc lúc nào cũng sẵn, chỉ là không có sức và thời gian để làm. Mỗi cây hoa được cắm cũng phải mất thời gian uốn nắn, tạo dáng, muốn nhanh cũng không được. Nếu có thể cắm nhiều hơn, mức thu nhập của tôi và anh em sẽ còn tăng hơn nữa ”, anh Phúc chia sẻ.
Theo anh Phúc, ngoài những người thợ cứng, lành nghề như anh thì các thợ phụ, phụ trách từng công đoạn sẽ đơn giản hơn. Những người này sẽ có thu nhập thấp hơn vào khoảng 800.000 - 1 triệu đồng mỗi ngày.
Anh Nguyễn Văn Dũng, thợ phụ cắm hoa theo đội anh Phúc cho biết, anh bắt đầu công việc được 3 ngày nay với mức công thỏa thuận 1 triệu đồng/ngày và được bao ăn ở.
“Nếu làm đến gần Tết, tôi sẽ có thể có thu nhập khoảng gần 30 triệu đồng. Tôi cố gắng tích lũy kinh nghiệm để hy vọng năm sau có thể cải thiện thu nhập của mình cao hơn” , anh Dũng nói.
Trong khi đó, anh Hoàng Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lannia Việt Nam cho biết, công ty của anh có 28 điểm bán hàng tại các tỉnh, thành khu vực miền Bắc trong dịp Tết Nguyên đán. Số lượng thợ cắm hoa lên tới hơn 100 người từ nhiều tổ đội khác nhau. Để đảm bảo đội ngũ thợ lành nghề gắn bó với mình nhiều năm, anh Nghiệp đã chấp nhận trả mức thù lao cao để giữ chân họ.
“Thợ thì nhiều nhưng thợ giỏi và cắm theo ý mình thì rất ít. Hơn 100 người thợ cắm lan cho công ty của chúng tôi là những người đã gắn bó từ nhiều năm nay. Tiền công để trả cho những người thợ này chỉ trong tháng giáp Tết ước tính lên tới vài tỷ đồng”, ông Nghiệp cho biết.
Theo anh Nghiệp, hoa và chậu cây cùng các phụ kiện khác sẽ được vận chuyển tới tập kết ngay cạnh các cơ sở bán hàng. Thợ cắm hoa chỉ việc lựa chọn và cắm luôn tại chỗ để đảm bảo tiến độ không kể ngày đêm.
“Chúng tôi cũng rất vui khi tạo ra được một công việc cho mức thu nhập cao đối với người nông dân, nhiều người gắn bó với chúng tôi nhiều năm cũng vì thế có cuộc sống ổn định hơn mỗi khi dịp Tết đến xuân về”, ông Nghiệp nói.