Buồn chuyện gia đình, thanh niên 30 tuổi mất kiểm soát, bất ngờ cầm dao đâm thấu ngực
Do mâu thuẫn và buồn chuyện gia đình, trong giây phút mất kiểm soát, nam thanh niên đã dùng dao nhọn đâm vào vùng ngực bụng gây thủng gan, mất nhiều máu...
Vừa qua, các bác sĩ BVĐK Xuyên Á cho biết đã phẫu thuật cứu sống nam thanh niên 30 tuổi tự dùng dao đâm thủng gan, gây sốc mất máu nguy kịch.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, do mâu thuẫn và buồn chuyện gia đình, trong giây phút mất kiểm soát anh D.V.C (30 tuổi, Củ Chi) đã dùng dao nhọn đâm vào vùng ngực bụng bên phải. Ngay sau đó, anh được người nhà đưa đến việm cấp cứu trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt và có dấu hiệu sốc mất máu.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện trên ngực phải bệnh nhân có một vết dao đâm dài khoảng 2cm, tiên lượng phức tạp. Sau khi hồi sức, người bệnh đã được tiến hành chụp CT scan, kết quả cho thấy có một đường dao đâm lệch từ ngực phải xuyên xuống ổ bụng gây thủng gan trái, chảy máu nhiều trong ổ bụng. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu - xuất huyết nội do vết thương gan độ III-IV có dấu hiệu đang chảy máu.
Ngay lập tức, ekip bác sĩ khoa Cấp cứu đã tiến hành hội chẩn cùng với khoa Ngoại tổng quát và khoa ICU. Đánh giá đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không can thiệp bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong cao do tình trạng chảy máu ồ ạt, các bác sĩ quyết định phẫu thuật mở bụng khẩn để cầm máu gan. Trong quá trình phẫu thuật ghi nhận có hai điểm chảy máu, một điểm ở một nhánh mạch máu từ cơ thẳng bụng bên phải và một điểm chảy máu từ tổn thương nhu mô gan trái.
Sau ca mổ kéo dài 2 giờ, ekip các bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát cùng với khoa Gây mê hồi sức đã nỗ lực cầm máu thành công vùng cơ thẳng bụng và gan, cứu sống người bệnh, huyết áp của bệnh nhân cũng đã ổn định sau mổ. Người bệnh được tiếp tục theo dõi chăm sóc tại Khoa Ngoại Tổng quát.
ThS. BSCKII. Phan Văn Sơn - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, chia sẻ: "Vết thương thấu bụng là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa thường gặp, tuy nhiên vết thương thấu bụng làm thủng gan gây chảy máu ồ ạt lại là trường hợp ít gặp hơn và nguy hiểm hơn. Nếu không được xử lý can thiệp cầm máu kịp thời, nạn nhân sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.
Hiện nay, có nhiều phương pháp cầm máu vết thương gan như điều trị nội khoa, can thiệp tắc mạch cầm máu, hoặc phẫu thuật. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, khi người bệnh có những dấu hiệu diễn tiến chảy máu nhiều, nguy hiểm tính mạng như trường hợp của bệnh nhân C. thì lựa chọn phẫu thuật mở bụng gần như là bắt buộc để cầm máu."
Từ trường hợp của bệnh nhân C., bác sĩ Sơn cũng khuyến cáo người dân khi có vết thương vùng ngực - bụng do dao hay các vật sắc nhọn thì nạn nhân cần được sơ cứu cầm máu ngay lập tức và nhanh chóng đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Trong những trường hợp nguy cấp, người bệnh cần được mổ khẩn để tránh các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.