Huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) được biết đến là "thủ phủ" chuối của miền Trung. Theo lãnh đạo huyện Hướng Hóa, địa phương này hiện có hơn 3.500 ha trồng chuối. Nhiều năm qua, chuối trở thành loài cây chủ lực ở huyện Hướng Hóa, góp phần cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng doanh thu từ cây chuối đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm. Những ngày cận Tết Nguyên đán , người dân trên địa bàn huyện miền núi huyện Hướng Hóa tất bật vận chuyển chuối đến khu vực ngã ba xã Tân Long để bày bán. Người ít thì gánh, người nhiều chở bằng xe máy, xe tải đưa chuối về chợ.
Nhiều thương lái từ các tỉnh thành cũng tập trung về đây thu mua chuối rồi vận chuyển đi khắp nơi tạo nên khung cảnh náo nhiệt ngày cuối năm ở huyện vùng biên này. Anh Hồ Văn Xeng (38 tuổi) trú xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết, gia đình anh có 2 ha chuối mật mốc, mỗi năm cho thu nhập khoảng hàng chục triệu đồng, giúp anh có chi phí trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Theo người dân, giá chuối Tết thường cao hơn nhiều so với các thời điểm khác trong năm. Nhưng việc chăm sóc để có chuối bán đúng vụ Tết không phải là điều dễ. "Chuối Tết rất ít khi mất giá, có năm tăng gấp 4-5 lần ngày thường, nhưng để có những buồng chuối ra đúng dịp Tết để bán cũng không phải dễ", ông Đoàn Văn Minh, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa cho biết. Chợ chuối Tết giúp nhiều người dân địa phương kiếm tiền từ việc bốc vác, vận chuyển hàng. Ngoài việc thu mua ở chợ, nhiều tiểu thương đến tận vườn để đặt hàng với số lượng lớn. Người dân đỡ vất vả hơn với công đoạn vận chuyển chuối. Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho hay, địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất huyện Hướng Hóa. Những năm gần đây, thị trường chuối mật mốc mở rộng, xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Thái Lan... nên giá cả tăng lên đáng kể. Chuối mật mốc dần trở thành sản phẩm thương hiệu của huyện Hướng Hóa.