Liên tiếp gây trọng án, kẻ cướp xe taxi ở Hà Nội đối diện hình phạt nào?
Sau khi gây ra vụ trọng án giết người tại một tiệm cầm đồ ở Thanh Hóa, Đặng Phạm Sáu đã trốn ra Hà Nội. Tại đây, Sáu đã thực hiện hành vi cướp xe taxi, dùng dao đâm trọng thương tài xế.
Khoảng 16h20 ngày 16/5, khi người dân lưu thông trên đường Cienco5 (khu đô thị Thanh Hà) thì bất ngờ nghe tiếng tri hô "cướp, cướp". Cùng thời điểm, một người đàn ông mặc đồng phục lái xe taxi của hãng G7 nhoài người ra khỏi xe trong tình trạng cơ thể đầy máu.
Nghe tiếng kêu cứu, người dân cùng lực lượng công an đang đi tuần tra đấy đã nhanh chóng tiếp cận, quật ngã tên cướp, tước 1 dao chọc tiết lợn còn dính máu. Nạn nhân sau đó được đi cấp cứu, còn tên cướp được cơ quan công an áp giải về trụ sở để lấy lời khai nhằm phục vụ công tác điều tra.
Đối tượng Đặng Phạm Sáu bị khống chế ngay tại hiện trường
Bước đầu, tên cướp khai nhận là Đặng Phạm Sáu (SN 1970, ở huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá). Kiểm tra thân nhân đối tượng, cơ quan chức năng phát hiện Sáu đang bị Công an tỉnh Thanh Hoá truy nã về tội "Giết người". Theo đó, chiều 23/4, Đặng Phạm Sáu cùng bạn đến hiệu cầm đồ Hải Lý (phố Quang Trung, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy) chuộc lại chiếc điện thoại cầm cố. Tại đây, giữa Sáu và anh Nguyễn Tuấn L (con trai chủ hiệu cầm đồ) xảy ra mẫu thuẫn.
Trong lúc cãi cọ, bất ngờ Sáu rút con dao thủ sẵn trong người ra đâm 1 nhát vào ngực anh L khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, hắn đã nhanh chóng bỏ trốn. Ngày 28/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định truy nã Đặng Phạm Sáu về tội "giết người".
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: Khi lái xe đi đến đoạn đường Cienco 5, đối tượng đã sử dụng dao khống chế lái xe để chiếm đoạt tài sản. Do bị lái xe chống trả quyết liệt và kêu cứu nên đối tượng đã dùng dao đâm nhiều nhát trúng ngực, tay nạn nhân. Hậu quả nạn nhân bị trọng thương và được người dân đưa đi cấp cưu. Xét hành vi phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội Giết người và Cướp tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm g, n (khoản 1, Điều 123, BLHS) và điểm d (khoản 2, Điều 168, Bộ luật Hình sự).
"Trường hợp nạn nhân không tử vong do được cấp cứu kịp thời thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả). Đối với hành vi chiếm đoạt tài sản cần làm rõ tài sản mà đối tượng nhằm chiếm đoạt là số tiền cụ thể hay chiếc xe ô tô. Nếu đối tượng có mục đích khống chế nạn nhân để chiếm đoạt chiếc xe ô tô thì phải chịu trách nhiệm tương ứng về giá trị chiếc xe theo kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự", luật sư Thơm chia sẻ.
Quyết định truy nã của Công an tỉnh Thanh Hóa đối với tên Sáu
Cũng theo luật sư Thơm, với việc liên tiếp gây ra các vụ trọng án nghiêm trọng, Sáu có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất là tử hình về các tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Ngoài chế tài hình sự, Sáu còn phải bồi thường thiệt cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 (Bộ luật Dân sự 2015). Mức bồi thường do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
n) Có tính chất côn đồ.
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác.
Nguyễn Hằng