Mỹ phẩm nhãn hiệu GSC "thổi phồng" công dụng sản phẩm thành thuốc chữa bệnh

12/05/2021 21:42

PLBĐ - Không chỉ "thổi phồng" công dụng sản phẩm như thuốc chữa bệnh mà những sản phẩm do Công ty Vinako phân phối còn chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh về da

Quảng cáo mỹ phẩm là một trong những loại hình quảng cáo có điều kiện, doanh nghiệp chỉ có thể tiến hành hoạt động quảng cáo mỹ phẩm khi đã được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Nhưng trên thực tế cũng có rất nhiều doanh nghiệp tiến hành quảng cáo mỹ phẩm "chui" khi chưa có giấy phép quảng cáo hoặc quảng cáo không đúng với nội dung được cơ quan chức năng xác nhận.

Phản ánh đến Báo Gia đình & Xã hội, một số bạn đọc cho biết nhiều loại mỹ phẩm có nhãn hiệu GSC do Công ty TNHH Thương mại Vinako (sau đây gọi tắt là Công ty Vinako - địa chỉ tại số 8, ngõ 116, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) phân phối, hoạt động quảng cáo sai phép khi chưa đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo tại Sở Y tế TP. Hà Nội.

Mỹ phẩm nhãn hiệu GSC

Sản phẩm Tế bào gốc trị nám, tàn nhang, làm đều màu da, làm trắng da (GV Whitening ampoule) được quảng cáo với rất nhiều công dụng "thần kỳ".

Từ thông tin phản ánh, phóng viên đã tìm hiểu và nhận thấy, trên website myphamgsc.com thể hiện hoạt động quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu GSC như thuốc điều trị. Sử dụng những từ như "trị, "điều trị", "điều trị tận gốc", "loại bỏ tận gốc" nhằm "thổi phồng" công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm cho khách hàng, cho rằng sản phẩm có công dụng chữa mụn, nám, tàn nhang.

Cụ thể, theo Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 17961/16/CBMP-QLD ngày 26/09/2016, sản phẩm GSC GA AC CARE AMPOULE chỉ có mục đích sử dụng là "Sản phẩm dưỡng da". Tuy nhiên, trong quá trình quảng bá sản phẩm, nhà phân phối lại "biến hóa" thành thuốc điều trị mụn với công dụng: "Điều trị mụn tận gốc theo cơ chế thải độc và đẩy các nhân mụn ra ngoài, tiêu diệt các vi khuẩn P.Acnes gây ra mụn, xóa sạch các ổ mụn bên trong da và ngăn chặn không cho mụn hình thành trở lại. Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm sưng tấy. Giúp nuôi dưỡng từng tế bào da khỏe mạnh, giúp phục hồi các vùng da mụn bị tổn thương, đồng thời tái tạo lại làn da mới chắc khỏe hơn… Xóa sạch các vết thâm và làm liền sẹo rỗ do mụn gây ra".

Theo Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 129924/20/CBMP-QLD ngày 30/07/2020, sản phẩm GSC GV WHITENING AMPOULE có mục đích sử dụng là "Sản phẩm dưỡng trắng da". Nhưng cũng được "biến hóa" thành tế bào gốc trị nám, tàn nhang, làm đều màu da, làm trắng da với rất nhiều công dụng "thần kỳ": "Giúp loại bỏ nám tận gốc, dưỡng chất, axit amin làm đẹp da, cho làn da mịn, đồng đều màu da. Giúp tái tạo, phục hồi các tế bào da hư tổn, kích thích sản sinh các tế bào da mới. Giúp tăng cường liên kết tế bào da, làm săn chắc làn da, nâng cơ, tăng đàn hồi da, chống oxy hóa mạnh mẽ, làm chậm quá trình lão hóa".

Mỹ phẩm nhãn hiệu GSC

Sản phẩm TGA Anti Ageing ampoule cũng được "thổi phồng" công dụng như thuốc chữa bệnh khi quảng cáo có chức năng trị sẹo, lỗ chân lông to.

Tương tự, sản phẩm GSC GA ANTI AGEING AMPOULE cũng "biến" thành thuốc trị sẹo, lỗ chân lông to. Trong khi mục đích sử dụng theo Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 129925/20/CBMP-QLD ngày 30/07/2020 lại là "Tinh chất dưỡng da, hạn chế lão hóa da".

Sản phẩm chưa được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo

Theo Văn bản trả lời số 3901/QLD-MP ngày 20/4/2021 của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế gửi Báo Gia đình & Xã hội, việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (mục đích sử dụng của sản phẩm) phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm (Phụ lục số 03-MP) và công văn số 1609/QLD-MP ngày 10/02/2012 của Cục Quản lý Dược về việc hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm. Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm.

Cũng theo văn bản này, việc xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm được thực hiện theo Điều 68, 69, 70, 71 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Điều 69 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Mỹ phẩm nhãn hiệu GSC

Sản phẩm Tế bào gốc trị mụn Hàn Quốc (GA AC Care ampoule) quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Thậm chí, theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược – Sở Y tế Hà Nội thì "những sản phẩm do Công ty Vinako phân phối còn chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo".

Quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh, không đăng ký xác nhận nội dung quảng là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo và Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Trước những sai phạm về quảng cáo của các sản phẩm do Công ty Vinako phân phối, đề nghị phía cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều 69 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP):

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;

b) Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;

c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này;

b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này".

Quỳnh Mai