Tội danh mà YouTuber Lê Chí Thành bị cáo buộc có mức án thế nào?
Với hành vi chống đối, ngăn cản lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông, YouTuber Lê Chí Thành đã bị Công an TP Thủ Đức (TP HCM) bắt tạm giam, khởi tố tội “Chống người thi hành công vụ”.
Công an TP Thủ Đức cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Chí Thành (SN 1983, ở quận 12, TP HCM) về tội "Chống người thi hành công vụ".
Trưa 20/3, Đội CSGT Rạch Chiếc phát hiện ôtô lưu thông trên Xa lộ Hà Nội (đoạn qua phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) đi vào làn xe hai bánh nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra.Tuy nhiên, Lê Chí Thành không xuất trình được CMND, giấy đăng ký xe theo đúng quy định. Đội CSGT Rạch Chiếc đã tiến hành lập biên bản xử phạt đối với các lỗi: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu; không xuất trình CMND; không có giấy đăng ký xe.
Khi bị CSGT niêm phong, tạm giữ xe vi phạm, Lê Chí Thành liên tục đứng chặn ở đầu ô tô, khiến xe cẩu phương tiện không làm việc được. Đội CSGT Rạch Chiếc đã đề nghị Công an phường Hiệp Phú phối hợp xử lý và đưa chiếc xe này về trụ sở để xử lý theo quy định.
Đối tượng Lê Chí Thành bị bắt tạm giam về tội "Chống người thi hành công vụ"
Đây không phải là lần đầu Lê Chí Thành cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Trước đó, Lê Chí Thành đã nhiều lần tạo cớ khiêu khích, xuyên tạc đưa thông tin sai sự thật về hoạt động công vụ, rồi phát tán lên mạng xã hội, mục đích là thu hút người theo dõi để trục lợi cá nhân, tác động xấu đến an ninh trật tự.
Được biết, Lê Chí Thành từng là đại úy công an, công tác tại một số trại giam và đã bị kỷ luật, tước danh hiệu Công an nhân dân vào năm 2020.
Theo luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội), thời gian gần đây, các hành vi chống đối lực lượng thực thi công vụ nói chung và CSGT nói riêng diễn biến khá phức tạp, với nhiều mức độ khác nhau. Ngoài việc để lại những hậu quả lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, các hành vi này còn tạo ra những tiền lệ xấu khiến người tham gia giao thông coi thường pháp luật.
Trong vụ việc của Lê Chí Thành cũng vậy, đối tượng này đã nhiều lần lấy lý do "giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ" để cản trở hoạt động của CSGT nên cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. "Qua những thông tin từ cơ quan chức năng cung cấp cho thấy, hành vi của Lê Chí Thành đã cấu thành tội "Chống người thi hành công vụ", được quy định tại Điều 330 (BLHS 2015). Việc Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức bắt tạm giam đối tượng này là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Nếu bị kết tội, Lê Chí Thành có thể đối diện mức án cao nhất là 7 năm tù giam", luật sư Thắng nói.
Phân tích về tội danh này, luật sư Thắng chia sẻ, chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ. Mục đích của người phạm tội là nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, khiến cho họ không thể thực hiện được hoặc rất khó khăn trong thực hiện công vụ được giao, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
"Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội. Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Cố ý gây thương tích hay tội giết người…", luật sư Thắng phân tích.
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Nguyễn Hằng