Đìu hiu chợ truyền thống
Không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua, giờ đây tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM, nhiều tiểu thương ngồi cả ngày chỉ bán được 1-2 món hàng, thậm chí có ngày chẳng có khách.
Vắng khách
Trưa 11/4, tại khu vực kinh doanh quần áo ở chợ Hòa Hưng (quận 10), hầu như chỉ có người bán mà không thấy khách mua. Lựa những bộ quần áo đẹp nhất treo ra ngoài để chờ đón khách, bà Lê Thị Niệm (66 tuổi) than thở: “Cả năm nay vắng khách lắm, cả tuần có khi không bán được bộ quần áo nào. Giờ mình muốn sang sạp cũng khó khăn vì nhìn tình cảnh ế ẩm này, không ai muốn đến buôn bán”.
Theo bà Niệm, tổng số tiền chi ra như, tiền thuế, điện nước, phí vệ sinh… mỗi tháng gần 1,6 triệu đồng, nhưng thu nhập lại không được bao nhiêu. Bà Niệm nhẩm tính, mỗi bộ quần áo bán được chỉ lãi khoảng 10.000 - 15.000 đồng. “Cả chục năm buôn bán ở chợ, chưa bao giờ tình cảnh ảm đạm như lúc này. Trước đây khách đông lắm, khách đông từ sáng đến tối nhưng giờ vắng hoe. Mình lớn tuổi rồi, không thể làm nghề gì khác nên cố gắng bám trụ” - bà Niệm nói.
Dạo một vòng khu vực này, nhiều sạp hàng đóng cửa, treo bảng cho thuê hoặc sang sạp. Gần 16 giờ, tiểu thương đã dọn hàng về. Không chỉ quầy hàng quần áo, giày dép… mà cả những sạp hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống cũng chung cảnh đìu hiu, vắng khách.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), ngay trong giờ cao điểm sáng nhưng nhiều quầy hàng từ thịt cá, rau củ đến vải vóc… đều thưa thớt khách mua sắm. “Trước đây, cả ngày tôi bán cả trăm ký thịt heo nhưng giờ chỉ lấy 30kg thịt, vậy mà bán từ sáng đến chiều cũng không hết. Sức mua quá yếu vì người dân thắt chặt chi tiêu, đời sống khó khăn nên họ giảm mua thịt. Chúng tôi lấy ít thịt lại, chỉ khi có khách đặt trước thì mình mới lấy, còn dư số lượng ít để dành bán lẻ nhưng cũng không ai mua” - bà Dương Mai (sạp 574) có hơn 30 năm bán thịt ở chợ Bà Chiểu nói.
Tình cảnh bán buôn ế ẩm cũng diễn ra ở nhiều chợ truyền thống như chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Tân Hưng, chợ Bàu Cát (quận Tân Bình), chợ Bình Tây, chợ Hòa Bình (quận 5). Hồi cuối tháng 3, cả trăm tiểu thương chợ An Đông Plaza (quận 5) ngừng bán, yêu cầu ban quản lý chợ giảm giá thuê sạp. Bà Thanh (kinh doanh quần áo thời trang ở lầu 1) cho biết, đã thuê 6 sạp hàng tại trung tâm để buôn bán nhiều năm nay. Nếu tính tiền thuê sạp, thuê nhân viên, điện nước… thì tổng chi phí gần 100 triệu đồng/tháng. “Trước đây, tôi bán được 15 - 20 triệu đồng/ngày, nhưng từ sau Tết đến nay, tính trung bình chưa bán được 1 - 2 triệu đồng/ngày. Tôi chỉ mong được hỗ trợ giảm giá thêm để có thể cầm cự chờ sức mua tăng trở lại” - bà Thanh nói.
Nhiều cách hút khách
Ngược lại với cảnh vắng vẻ ở ngành quần áo tại nhiều chợ, quầy vải thời trang trong chợ Tân Định (quận 1) lại có phần nhộn nhịp hơn. Vui mừng vì vừa bán được 5 xấp vải cho du khách, chị Hà (quầy hàng vải) cho biết: “Từ khi du lịch khởi động trở lại, thành phố có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan nên chúng tôi bán được nhiều hàng hơn. Để hút khách, chúng tôi có những loại vải mới, “độc”, lạ, hàng phiên bản giới hạn với chất lượng miễn chê, giá cả phải chăng… Nhờ đó khách ủng hộ nhiều, bán buôn khởi sắc”.
Ông Hoàng Văn Đạt - Tổ trưởng văn phòng Ban quản lý chợ Tân Định cho biết, chợ có 1.013 sạp với 895 hộ kinh doanh. Mãi lực chợ truyền thống giảm khoảng 20% so với tháng trước. Chợ có nhiều tiểu thương đẩy mạnh bán hàng trực tuyến nên khách đến chợ ít hơn. “Để đẩy mạnh kinh doanh, chúng tôi đang tập trung phát triển những ngành hàng thế mạnh của chợ như vải vóc, quần áo, giày dép… để thay thế những mặt hàng không còn phù hợp với xu hướng hiện tại. Chợ có kiến trúc đẹp nên đang có một số dự án thực hiện ẩm thực đêm tại chợ. Trong chợ sẽ nhắc nhở thương nhân trang hoàng quầy hàng đẹp, thông thoáng, thu hút khách tham quan” - ông Đạt nói.
Bà Phạm Thị Sành - Trưởng ban quản lý chợ Hòa Hưng (quận 10) cho biết, trong năm 2022, mãi lực chợ rất thấp. Để hút khách đến chợ, lần đầu tiên, Ban quản lý tổ chức tháng khuyến mãi, trong tháng 3/2023 giảm từ 10-30% các mặt hàng từ quần áo, thực phẩm, chạp phô, thịt cá… “Chúng tôi còn tặng 500 giỏ nhựa cho khách đến mua hàng. Nhờ đó sức mua tăng lên đáng kể, ai cũng phấn khởi. Sắp tới chợ sẽ tiếp tục tổ chức khuyến mãi vào tháng 6 và cuối năm để khuyến khích khách đến mua sắm” - bà Sành nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhìn nhận, các số liệu cho thấy xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu là chính và hạn chế các nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết... Để cải thiện sức mua, các nhà kinh doanh phải tìm cách cắt giảm chi phí, có những biện pháp giữ giá ổn định.
“Về phía cơ quan quản lý, Sở sẽ triển khai những giải pháp như hỗ trợ tiết giảm chi phí logistics và kết nối cung cầu hàng hóa với các địa phương để đảm bảo mảng bán lẻ của TPHCM được trợ lực tốt” - ông Vũ khẳng định.
Theo Sở Công Thương TPHCM, thành phố hiện có 232 chợ truyền thống. Hầu hết các chợ được hình thành từ rất lâu, cùng với quá trình hình thành khu dân cư. Đến nay, phần lớn chợ truyền thống ở thành phố đã xuống cấp, các tiện ích công cộng vừa thiếu thốn vừa lạc hậu, thiếu hệ thống xử lý nước thải, thiếu kho bảo quản hàng hóa, diện tích điểm kinh doanh chưa đạt chuẩn.
Từ thực tế trên, Sở kiến nghị HĐND TPHCM xem xét có cơ chế hỗ trợ các quận, huyện cải tạo, nâng cấp chợ truyền thống thông qua việc phân bổ, điều tiết dự toán ngân sách cho các quận, huyện. Các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường xử lý đối với các điểm bán hàng tự phát xung quanh các chợ; xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí các khu buôn bán hợp lý, thuận tiện; nêu cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường của tiểu thương…