Để chó cắn người, chủ bị xử lý như thế nào?
Ngoài chi phí hợp lý cho việc cứu chữa và bồi dưỡng sức khỏe, 2 bên có thể thỏa thuận không được quá 50 lần mức lương cơ sở, tức 74,5 triệu đồng.
Ngày 16/3, bà N.T.T. (87 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) sang nhà hàng xóm chơi và bị chó bully không xích, nặng 30 kg, lao tới cắn. Sự việc khiến người phụ nữ bị thương nặng, nhập viện trong tình trạng dập nát cẳng tay trái, vết thương hàm mặt phức tạp.
Các bác sĩ phải cắt cụt 1/3 dưới cánh tay trái, phẫu thuật để xử lý vết thương hàm mặt cho bệnh nhân.
Sự việc gây xôn xao, bức xúc trên mạng xã hội. Nhiều người muốn biết mức phạt tối đa mà người chủ chó phải đối mặt trong trường hợp này ra sao.
Luật sư Hà Kim Tâm (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Onekey & Partners) cho biết trong trường hợp này, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại sẽ là căn cứ xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.
Nếu thiệt hại do vật nuôi gây ra (chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng vật nuôi không kiểm soát được, để vật nuôi gây thiệt hại) thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng vật nuôi phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Nếu thiệt hại do lỗi hoàn toàn của nạn nhân; do sự kiện bất khả kháng hay những trường hợp khác quy định trong Bộ luật dân sự 2015, chủ vật nuôi sẽ không phải bồi thường.
Trường hợp này, bà T. chỉ sang nhà hàng xóm chơi, không có hành vi trái pháp luật. Do đó, chủ chó sẽ có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân theo Bộ luật dân sự 2015.
Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 quy định chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi, ví dụ như dắt chó không phải của mình đi dạo và để chó cắn người, thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Nếu người này và chủ súc vật đều có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Do sức khỏe bà T. bị xâm phạm, mức đền bù thiệt hại được xác định theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm những chi phí như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị.
Nếu nạn nhân mất khả năng lao động, cần có người thường xuyên chăm sóc, thiệt hại sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc nạn nhân.
Ngoài ra, chủ gia súc còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 50 lần mức lương cơ sở, tức 74,5 triệu đồng.
Thậm chí, luật sư cho biết chủ chó còn có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Giải thích về tội danh này, luật sư cho biết "vô ý gây thương tích" được hiểu là hành vi chủ quan, cẩu thả hoặc vì quá tự tin gây hậu quả làm người khác bị thương, tổn hại sức khỏe.
Cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá cẩn trọng các yếu tố chủ quan, khách quan, chủ thể, khách thể của sự việc. Nếu đủ căn cứ, cộng với việc gia đình nạn nhân có đơn yêu cầu, chủ gia súc có thể bị khởi tố theo Điều 138 Bộ luật hình sự 2015. Mức án tối đa chủ gia súc phải đối mặt theo quy định tại khoản 2 điều này là 2 năm tù.
Theo Tri thức trực tuyến