Xuân La - Ngôi làng có truyền thống nặn tò he 'độc nhất' ở Việt Nam
PLBĐ - Làng Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã được biết đến là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại nghề nặn tò he. Người dân nơi đây không chỉ coi đó là một nghề mưu sinh mà hơn cả là giữ gìn, phát triển một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tò he là một loại đồ chơi dân gian dành cho trẻ em được làm từ bột nếp. Từ xưa tò he đã xuất hiện trên các mâm cúng trong dịp lễ, Tết với hình dạng con gà, con vịt,... Vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là "nặn con giống". Sau này, khi có nhiều người nặn thành những chiếc kèn "tò te" để thu hút khách hàng, lâu dần người ta gọi thành "tò he".
Ở làng Xuân La, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết nặn tò he. Bởi khi còn nhỏ tò he là món đồ chơi dân gian, khi lớn lên nó lại trở thành một nghề để mưu sinh.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Khang (50 tuổi) kể lại: "Từ xưa người làng Xuân La đã mang những sản phẩm tò he đi các lễ hội để bán, đi đến lễ hội này lại được người dân mách cho lễ hội khác, cứ thế mang tò he đi khắp các vùng".
Để làm tạo ra những sản phẩm tò he bắt mắt, người nghệ nhân đã phải trải qua các công đoạn xay bột, luộc bột và chuẩn bị các màu từ cây, củ, quả có nguồn gốc thiên nhiên để an toàn tuyệt đối cho trẻ em. Đồ làm nghề của những người nghệ nhân đơn giản là chiếc xe, những cục bột màu, bút sáp,...
Nặn tò he độc đáo ở chỗ những sản phẩm làm ra không thể sử dụng máy móc mà được tạo ra từ những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người nghệ nhân. Đối với họ, tò he không chỉ là món đồ chơi dân gian mang đậm hồn dân tộc mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi vậy, người nghệ nhân không ngừng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm độc đáo nhất.
Ngày nay, tò he không chỉ được bày bán tại các lễ hội, các khu du lịch mà còn xuất hiện trong các lớp học năng khiếu trẻ em, các cuộc thi. Hơn nữa, nó còn xuất hiện trong những cuộc triển lãm nghệ thuật trong và ngoài nước.
Bên cạnh các con vật quen thuộc thì tò he càng ngày càng có thêm nhiều hình dạng như: người nhện, công chúa Elsa, Pikachu,... để các bạn nhỏ có thêm nhiều lựa chọn.
Đối với người dân làng Xuân La, nặn tò he vừa là niềm đam mê, vừa là niềm tự hào. Các nghệ nhân vẫn đang miệt mài "giữ hồn" cho nghề nặn tò he, bảo tồn một loại hình văn hóa truyền thống.
Đinh Hạnh