Lý giải nguyên nhân các vụ cướp ngân hàng liên tục xảy ra và ngày càng manh động, táo tợn, liều lĩnh
GĐXH - Với hành vi dùng súng quân dụng đe dọa nhân viên ngân hàng để cướp khoảng 700 triệu đồng, đối tượng sẽ phải đối diện với các tội danh “Cướp tài sản” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Công an tỉnh Bình Dương đang lấy lời khai đối tượng dùng súng cướp ngân hàng để điều tra về hành vi "Cướp tài sản". Danh tính kẻ gây ra vụ việc là Nguyễn Tấn Phát (SN 1997, trú tại phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 17/4, một nam thanh niên đi đến Chi nhánh ngân hàng S trên Quốc lộ 13 (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) nhưng không thực hiện bất kỳ một giao dịch nào. Khi gần hết giờ làm việc, đối tượng bất ngờ rút khẩu súng rồi uy hiếp nhân viên ngân hàng buộc đưa tiền bỏ vào ba lô.
Bảo vệ của ngân hàng đã xông vào vật lộn với kẻ cướp và khống chế. Tại hiện trường, kẻ cướp bị thương ở mặt, chảy nhiều máu.
Lực lượng chức năng cũng thu giữ tang vật gồm: Khẩu súng dạng ổ xoay (trong ổ không có đạn); một ba lô màu đen, bên trong chứa nhiều cọc tiền ước tính khoảng 700 triệu đồng; một túi nylon có chứa 6 viên đạn.
Tại trụ sở công an, Phát khai, mình vay hơn 20 triệu đồng nhưng không có khả năng chi trả. Bản thân và gia đình Phát nhiều lần bị đòi nợ và hăm dọa. Do cần tiền để tiêu xài và trả nợ, Phát nảy sinh ý định thực hiện vụ cướp.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp chia sẻ, đây là vụ cướp rất manh động, táo tợn khi đối tượng sử dụng vũ khí để tấn công, uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì đối tượng này đã sử dụng vũ khí, đe dọa, uy hiếp tinh thần của nhân viên ngân hàng. Đây là hành vi điển hình của tội "Cướp tài sản" được quy định tại Điều 168 (BLHS 2015).
Theo quy định của pháp luật thì đây là tội danh có "cấu thành hình thức" nên chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì đã cấu thành tội phạm. Điều đó có nghĩa, nó không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa và giá trị tài sản là bao nhiêu.
Bước đầu nghi phạm khai nhận, chỉ vì nợ số tiền 20.000.000 đồng nhưng không có khả năng trả, bị nhiều đối tượng đòi nợ đe dọa uy hiếp nên đành làm liều. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nội dung lời khai này để xác định nguyên nhân, điều kiện, những yếu tố thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có người xúi giục, ép buộc đối tượng đi cướp tài sản thì những người liên quan sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân khoản vay này như thế nào; có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay không; có hành vi cưỡng đoạt tài sản hay không để xem xét xử lý đối với các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Dù lời khai của đối tượng này là đúng thì đây cũng không phải là tình tiết để loại trừ trách nhiệm hình sự. Trong những trường hợp bị đòi nợ, bị đe dọa, uy hiếp tinh thần thì con nợ hoàn toàn có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Hành vi đòi nợ trái pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào diễn biến hành vi và hậu quả cụ thể.
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguồn gốc khẩu súng mà đối tượng này đã sử dụng để thực hiện hành vi cướp tài sản. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy khẩu súng thu được trên hiện trường vụ án là loại vũ khí quân dụng thì đối tượng sẽ bị xử lý tội "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" theo Điều 304 (BLHS 2015).
"Có thể thấy, đối tượng này còn rất trẻ tuổi, tương lai còn rộng mở phía trước nhưng chỉ vì một món nợ không lớn, trong lúc thiếu chín chắn, suy nghĩ thiển cận nên đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khiến bản thân phải đối mặt với hình phạt rất nghiêm khắc của pháp luật. Đây là cái giá quá đắt cho hành vi dại dột, bồng bột, thiếu suy nghĩ của một người trẻ tuổi", Ts.Ls Cường chia sẻ.
Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ cướp ngân hàng táo tợn mà đối tượng thực hiện hành vi đều ở độ tuổi rất trẻ và trong tình trạng nợ nần, túng quẫn. Tuy nhiên chưa có vụ cướp ngân hàng nào thành công và đối tượng thường sẽ bị bắt giữ ngay sau đó.
Ngân hàng là nơi có nhiều camera giám sát, có nhiều người làm việc, lại có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, có hệ thống báo động và nhân viên được tập huấn nghiệp vụ nên việc nhận dạng, thu thập các dấu vết trên cứ trên hiện trường rất thuận lợi. Đó là một trong những nguyên nhân khiến những vụ cướp ngân hàng nhanh chóng được khám phá, đối tượng gây án nhanh chóng bị bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.
"Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những vụ cướp ngân hàng có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Trong đó có thể kể đến là một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên lười lao động, muốn có tiền nhưng không phải đi làm nên thực hiện hành vi cướp tài sản. Một số đối tượng thì tiếp xúc với những phim ảnh, những trò game bạo lực nên bị ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội.
Thậm chí, một số đối tượng cờ bạc, cá độ bóng đá dẫn đến thua lỗ, không có tiền trả nợ đành làm liều nên đã thực hiện hành vi cướp tài sản sản tại ngân hàng. Ngoài ra, hệ thống đảm bảo an ninh ngân hàng, lực lượng bảo vệ ở một số ngân hàng còn có những sơ hở, thiếu cảnh giác dẫn đến các đối tượng nảy sinh ý định cướp ngân hàng.
Vụ án này cũng là bài học cho những kẻ lười lao động, coi thường pháp luật, muốn chiếm đoạt thành quả lao động của người khác bằng vũ lực và cái giá phải trả là mức hình phạt rất nghiêm khắc", Tiến sĩ Cường phân tích.
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
..........
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 - 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;