Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ 'mẹo' nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường
GĐXH - Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, đặt sâm Ngọc Linh bên cạnh các sản phẩm sâm khác, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về bề mặt củ sâm, hình dáng củ, cấu trúc mắt và màu sắc, hình dáng lá sâm.
Ngày 12/4, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức trưng bày nhận diện sản phẩm sâm Ngọc Linh với các loại chủng sâm được trồng ở các tỉnh thành khác và đang lưu hành trên thị trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, sâm Ngọc Linh được trồng tại đỉnh núi Ngọc Linh (Kon Tum) là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y, là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Mạnh: "Nếu để củ sâm Ngọc Linh đơn lẻ thì người tiêu dùng, khách tham quan rất khó để phân biệt và nhận diện với củ sâm đến từ các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, nếu đặt chung các sản phẩm lên cùng một bề mặt, thì có rất nhiều đặc điểm để nhận diện và phân biệt".
Thứ nhất, bề mặt vỏ củ sâm Ngọc Linh xù xì, xấu xí, thô ráp do sinh trưởng trong điều kiện sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên. Trong khi đó, sâm trồng tại các tỉnh thành khác lớp vỏ ngoài có độ bóng mượt, ít sần sùi.
Thứ hai để chọn sâm Ngọc Linh là nhìn vào cấu trúc mắt. Đốt mắt sâm Ngọc Linh có nhiều rễ bám, có u cục ở gốc, khoảng cách các mắt không đều, nằm so le (hình đốt trúc). Mỗi năm phát triển một đốt. Trong khi đó, các chủng sâm ở các tỉnh thành khác có thể phát triển nhiều đốt trong một năm, các đốt không so le, khoảng cách mắt đều.
Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT Kon Tum cho rằng, đặt hai cây sâm non có độ tuổi 2 năm đứng cạnh nhau, người tiêu dùng cũng rất dễ nhận ra các đặc điểm khác biệt để phân biệt đâu là cây sâm Ngọc Linh non và cây sâm non trồng ở các tỉnh, thành phố khác.
Theo đó, cây sâm Ngọc Linh non sẽ có thân, cuống lá màu trắng và dần đổi sang màu tím khi trưởng thành, quá trình này mất từ 3-5 năm đầu.
Ngoài ra, lá của cây sâm Ngọc Linh non có hình tròn, khác với hình thon dài của loại sâm khác.
Hơn nữa, lông mao trên bề mặt lá Ngọc Linh mềm hơn, dày dặn hơn, thưa hơn trên bề mặt lá của cây sâm trồng ở các tỉnh, thành phố khác.
Phòng Trưng bày "nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường" diễn ra từ 12-18/4/2023 nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan trang bị những kiến thức trong việc nhận diện đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum và một số loại sâm khác.
Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đồng thời, hướng tới mục tiêu giới thiệu các địa chỉ uy tín, chính hãng trong việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh qua đó góp phần phòng, tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặt khác, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển cây dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch là con đường thoát nghèo duy nhất của huyện.
Trong đó, cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng là định hướng thoát nghèo bền vững và làm giàu cho bà con Xơ Đăng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có hơn 1.710 ha sâm Ngọc Linh.
Giai đoạn 2019 - 2021, huyện có 1.761 hộ thoát nghèo thì khoảng 70% trong đó nhờ trồng cây dược liệu.
Riêng năm 2022 vừa qua, tính riêng 3 xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây đã có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu, đạt thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Nhờ biết tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển cây dược liệu, đồng bào đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều.
Nhiều bản làng ở Tu Mơ Rông đã "thay da đổi thịt" với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm.