COVID-19 "tái xuất": Dân buôn đồng loạt thanh lý, xả hàng, nghỉ Tết sớm
Trước lo ngại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều dân buôn liên tục thanh lý, xả hàng Tết với giá ưu đãi. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan, mua sắm ở cửa hàng vẫn lèo tèo.
Chưa tới 30 Tết, chị Vân Thanh (Hà Đông, Hà Nội), một tiểu thương bán hoa, cây cảnh đành ngậm ngùi treo tấm biển "xả hàng".
Như mọi năm, 2 vợ chồng chị sẽ bám trụ, ở lại đến chiều muộn 30 Tết, lúc đó, hàng còn thừa bao nhiêu, chị mới treo biển bán thanh lý. Nhưng năm nay thì khác, mới 23 Tết, chị đã phải vội vã bán thanh lý gấp bởi dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại một số tỉnh phía Bắc.
"Trong 10 năm buôn cây cảnh Tết của tôi, chưa có năm nào lại ảm đạm như bây giờ. Đường phố vắng tanh, hoa, cây cảnh ế chỏng ế chơ. Bởi người thì về quê, người ở nhà chống dịch, còn tiểu thương chỉ biết ngồi đuổi ruồi, đợi khách đến" - chị buồn rầu kể.
Chị Thanh cho biết, năm nay, 2 vợ chồng chị bỏ ra 100 triệu đồng để nhập hàng về bán. Nhưng chưa bán hết 1/3, vợ chồng chị đã phải mang hàng ra "xả", bán thanh lý để thu hồi vốn gấp.
Song những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi, nhưng nào ngờ, khi giá giảm sâu, khách mua vẫn chẳng đoái hoài. Số lượng khách đến tham quan ngày một ít đi do diễn biến dịch phức tạp nên nhiều người dân cũng ngại đi mua sắm.
"Giờ mọi người chỉ lo chống dịch, phòng bệnh, chứ cây cảnh, hoa lá cũng chẳng mấy mặn mà. Có mua, thì họ sẽ mua cây nhỏ, vừa tiền chứ không mua dòng đắt như mọi năm. Với tình trạng này, tôi lo đến 30 Tết, hàng vẫn tồn kho lượng lớn" - chị tâm sự.
Để thu hút khách hàng, chị Thanh giảm giá từ 30 - 50% các loại hoa, cây cảnh. Như cây quất bonsai, dáng đẹp, năm trước có giá 5 triệu đồng thì nay chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/cây. Lan Trần Mộng dòng xanh ngọc năm ngoái từ 1 - 1,5 triệu đồng, vào dịp Tết Tân Sửu, giá chỉ 500.000 - 800.000 đồng/cành. Với dòng hồng hoàng, giá ở mức 100.000 - 150.000 đồng/cành Trần Mộng .
Đồng cảnh ngộ, anh Nghĩa, một dân buôn đào vùng cao cho biết, năm nay, lượng khách đến quán anh mua khá lèo tèo. Dù giá đào đã hạ một nửa so với mọi năm nhưng "thượng đế" cũng không mấy mặn mà.
"Đầu vụ thì đào vùng cao "tắc" vì truy xuất nguồn gốc, đến khi xong xuôi thì dịch COVID-19 lại ập đến, khiến dân buôn như chúng tôi tê liệt. Cành đào không giống như quất, bưởi là không bán hết có thể mang về, năm sau bán tiếp. Nên với tình hình này, chúng tôi buộc phải thanh lý hàng sớm" - anh cho hay.
Theo anh Nghĩa, giá cho một cành đào rừng có tem, loại đẹp hiện chỉ còn 800.000 - 2.000.000 đồng, nghĩa là giảm 30 - 40% so với mọi năm.
"Tết năm ngoái, trung bình mỗi ngày, tôi bán ra thị trường được 30 cành thì nay may lắm được 3 cành. Khách giờ đến xem, tham quan là nhiều chứ mua thì ít. Nên tôi không biết, đến 30 Tết, hàng có bán được hết không" - anh trải lòng.
Thậm chí, với diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội cũng đóng cửa, nghỉ Tết sớm. Bởi người dân lo nhiễm bệnh nên đồng loạt hủy lịch liên hoan, tất niên.
Tiết lộ với phóng viên, anh Nguyễn Huy, nhân viên một nhà hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, quán anh dừng hoạt đồng từ hôm 22 tháng Chạp do không có doanh thu. Như mọi năm, quán vẫn duy trì 2 bảo vệ trông coi, nhưng năm nay, mọi người được về quê sớm do quán nghỉ, đóng cửa cho tới mùng 6 Tết.
Theo An Chi/Dân trí