Dân Thủ đô đổ về phố hàng Mã sắm lễ cúng ông Công ông Táo
Khu phố buôn bán đồ vàng mã tại Hà Nội hôm nay nhộn nhịp, tấp nập người dân sắm lễ cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp).
Theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp, ông Công và ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để trình báo những chuyện xảy ra trong gia đình người dân với Ngọc Hoàng. Đến đêm giao thừa, cả hai vị thần mới trở lại để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.
Vì vậy, hàng năm vào ngày này, người dân khắp cả nước đều chuẩn bị lễ với các vật phẩm, gồm 3 bộ mũ áo, cá chép sống, gà luộc, xôi trắng (có thể thay bằng xôi gấc, bánh chưng), thịt lợn luộc, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà, hoa quả để ông Táo về chầu trời.
Ghi nhận của phóng viên tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), người dân tất bật đi mua sắm, chuẩn bị đồ để cúng ông Công ông Táo.
Các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống như bộ Táo quân, thần linh, cá chép giấy, tiền, vàng, hương, nến.
Năm nay, giá thành của các mặt hàng đồ hàng mã không có nhiều biến động so với mọi năm. Giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo dao động từ 35.000-200.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ; quần áo từ 10.000 - 25.000 đồng/bộ; ngựa từ 20.000-80.000 đồng/con tùy loại; tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá khoảng 25.000 đồng.
Một tiểu thương ở đây cho biết, những mặt hàng này được nhập về từ làng nghề Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và Duyên Hà, Văn Hội (huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm nay, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến ngày càng phức tạp nên tâm lý lo sợ dịch bệnh đã khiến người dân mua đồ và làm lễ từ rất sớm để tranh tình trạng đông đúc.
Còn tại phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), bên cạnh các mặt hàng trang trí Tết, các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng. Giá vàng mã tại đây cũng không khác biệt nhiều so với các chợ dân sinh.
Chị Hương, người dân quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Năm nay do lo ngại dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên tôi mua đồ vàng mã và làm lễ cúng ông Công, ông Táo từ sớm để tránh cảnh chen chúc, giờ mà bị cách ly là mất ăn Tết”.
Theo quan sát, hầu hết người dân đi chợ mua đồ sắm lễ đều tuân thủ quy định đeo khẩu trang phòng dịch. Càng gần đến ngày ông Công ông Táo, số lượng người đến mua đồ, sắm lễ cúng ngày càng tăng.
Theo Vietnamnet
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/dan-thu-do-do-ve-pho-hang-ma-sam-le-cung-ong-cong-ong-tao-710598.html