Hình phạt nào cho tài xế đánh chết người đi xe máy ở Bình Dương?
PLBĐ - Vụ việc tài xế ô tô cầm gậy đánh chết người đàn ông đi xe máy sau khi bị tạt đầu xe ở Bình Dương đã khiến dư luận xôn xao những ngày qua. Nhiều người thắc mắc với hành vi côn đồ này, đối tượng gây án sẽ phải đối diện với mức án nào?
Trao đổi với VTC News, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi của tài xế ô tô hết sức côn đồ. Tài xế chỉ vì cho rằng người lái xe máy đã tạt đầu xe mình mà đuổi theo, dùng hung khí đánh khiến nạn nhân thiệt mạng.
Theo luật sư, đối tượng gây án có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: có tính chất côn đồ, sử dụng không khí nguy hiểm, phạm tội đến cùng... Tài xế ô tô đánh chết người lái xe máy sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" thì người đàn ông này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân do hành vi xâm phạm tính mạng đã gây ra như: tiền cứu chữa trước khi chết (nếu có), tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng cho người mà người chết có nghĩa vụ chăm dưỡng và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu. Hai bên có quyền thỏa thuận với nhau về bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì đi đại diện gia đình người bị hại có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Cùng chung quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, trong vụ án này, tùy vào kết quả điều tra có thể khởi tố tài xế xe tải một trong 2 tội danh là "Giết người" hoặc "Cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người" được quy định tại Điều 123 và Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
“Hành vi của tài xế ô tô ở Bình Dương mang tính chất côn đồ, chỉ vì cho rằng nạn nhân “chạy láo” mà dùng vật chuẩn bị sẵn trên xe đánh khiến nạn nhân tử vong. Trường hợp này, cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của người lái xe và hành động lúc gây án để khởi tố, điều tra, truy tố xét xử đúng người đúng tội”, luật sư Cường chia sẻ.
Như đã đưa tin trước đó, ngày 26/12, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ Trương Ngọc Tuấn (26 tuổi, trú Bình Dương) để điều tra về hành vi giết người.
Theo cơ quan điều tra, khoảng 14h ngày 25/12, Tuấn điều khiển xe tải ben lưu thông trên một đường hẻm thuộc đường Bùi Thị Xuân (phường Tân Bình, TP Dĩ An, Bình Dương). Khi đang đi thì bị anh Nguyễn Ngọc Lực (40 tuổi) đi xe máy đi cùng chiều vượt lên trước.
Bực tức về việc người này "chạy láo", Tuấn lái xe vượt lên đánh lái ép xe máy của anh Lực vào lề đường. Sau đó, Tuấn xuống xe cãi nhau với anh Lực. Lời qua tiếng lại, anh Lực ngăn cản không cho Tuấn lái xe đi. Tuấn liền lấy một cây gậy dài khoảng 70cm để trên cabin, lao xuống đánh nhiều nhát vào đầu và người của anh Lực.
Bị đánh bất ngờ, anh Lực không kịp phản kháng rồi ngã gục tại chỗ và tử vong ngay sau đó. Sau khi gây án, Tuấn lái xe tải rời khỏi hiện trường.
Được biết, ngay khi được tin báo, các đơn vị nghiệp vụ, Công an tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng đến khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ vụ việc.
Khi nghe tin anh Lực tử vong, tối 25/12 Tuấn đã đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 2 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 2 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 2 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 2 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n vào khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n vào khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 2 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
T.H (th)