Người dân "hái tiền" từ loại cây mọc đầy trong rừng
Vào thời gian này, trà hoa vàng nở rộ trên núi, người dân huyện Quế Phong (Nghệ An) theo chân nhau để hái loài hoa quý hiếm. Với giá bán hiện tại, nhiều nhà đút túi gần 1 triệu đồng/ngày.
Từ loài hoa vô danh trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao
Tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), cây chè hoa vàng mọc ở nhiều nơi, thường phân bổ ở độ cao từ 100 cho đến gần 1.000m so với mực nước biển. Mùa hoa nở rộ vào tháng 8 và tháng 10 âm lịch hàng năm.
Cây trà hoa vàng là loài quý hiếm, có nhiều dược tính và cho giá trị kinh tế cao. Lá trà hoa vàng từ lâu được đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quế Phong hái về làm thuốc, làm rau trong bữa ăn, hoa dùng để sắc nước uống; gỗ cứng có thể làm đồ mỹ nghệ, hạt ép lấy dầu… Nhiều nghiên cứu cho thấy, trà hoa vàng chứa hơn 400 thành phần dinh dưỡng.
Trên địa bàn huyện Quế Phong, trà hoa vàng chủ yếu tập trung trên các rừng núi của 5 xã: Mường Nọc, Châu Kim, Tiền phong, Đồng Văn và Thông Thụ. Từ khi phát triển, loại hàng hóa này đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều hộ dân. Vào vụ chính của trà hoa vàng bình quân mỗi ngày người dân thu nhập được từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.
Anh Lương Văn Quý trú tại xã Thông Thụ cho biết: "Vào mùa trà hoa vàng hai vợ chồng tôi ngày nào cũng lên núi để hái về nhập cho dân buôn. Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được 1 triệu đồng".
"Gia đình tôi có 5 miệng ăn, mùa này ở đây dân bản đói lắm vì không có gì để kiếm tiền. Từ khi biết trà hoa vàng là cây có giá trị nên ngày nào tôi cũng cùng 2 người con lên núi để hái về bán", ông Lang Văn Bình trú tại xã Đồng Văn cho biết thêm.
Năm 2016, UBND huyện Quế Phong xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có cây trà hoa vàng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 trồng được 5 ha cây trà hoa vàng. Hiện ở xã Đồng Văn (Quế Phong), Sở KH&CN Nghệ An đã xây dựng vườn ươm cây trà hoa vàng với kỳ vọng sẽ tạo nguồn cây giống cung cấp cho người dân.
Theo anh Lô Hùng Cường, Cán bộ phụ trách dự án phát triển trà hoa vàng huyện Quế Phong cho biết: "Trước đây, bà con làm thủ công nhỏ lẻ ở nhà, đầu ra của sản phẩm thuộc dạng mua sỉ hoa, bán lẻ trà nên thu nhập không đáng kể. Từ khi có máy sấy, bà con nhiều xã trong huyện đã đem đến nhập cho công ty trên địa bàn", ông Cường cho biết thêm.
Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, chè hoa vàng ở Quế Phong là một cây đặc hữu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có diện tích khá lớn và được phân bổ tại nhiều xã trên địa bàn. Hiện nay, có một doanh nghiệp đang thu mua, chế biến trà hoa vàng.
Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trà hoa vàng
Trước đây, số lượng trà hoa vàng ở Quế Phong và các vùng lân cận tương đối lớn và được người dân sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tư thương đã thu mua, gom hoa tự nhiên rất nhiều với giá khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/kg hoa khô, chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc nên đến mùa ra hoa người dân bản địa tập trung vào rừng thu hái, chặt cả cây xuống để lấy hoa, làm cho số lượng cây trà hoa vàng hiện còn rất ít và đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Việc bảo tồn, sản xuất và trồng bổ sung cây trà hoa vàng nguyên liệu, nâng cao chất lượng bằng công nghệ hiện đại để giữ nguyên hoạt chất dược liệu quý của trà hoa vàng cũng được chính quyền và doanh nghiệp chú trọng.
Việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trà hoa vàng thành mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao tại huyện Quế Phong đã giúp thành công trong việc bảo vệ rừng mà vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân, tránh chặt phá rừng.
Chuỗi giá trị sản phẩm trà hoa vàng thành công và được áp dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, tăng gia phát triển sản xuất tại địa phương, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Theo Dân trí