Đối tượng đánh dã man nữ sinh sau va chạm giao thông ở Bình Dương có thể đối diện án tù
PLBĐ - Vụ việc nam thanh niên hành hung nữ sinh sau va chạm giao thông ở Bình Dương khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Các luật sư cho rằng, đối tượng này có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Chiều 8/12, Công an TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho biết, đơn vị đã bắt khẩn cấp Lê Tấn Thành (29 tuổi, trú phường Trương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một) để làm rõ việc hành hung nữ sinh sau va chạm giao thông. Theo công an, Thành từng có tiền án về tội Cố ý gây thương tích và Cướp tài sản.
Tại cơ quan điều tra, Thành khai do ăn nhậu với bạn bè trước đó nên khi xảy ra va chạm giao thông, anh ta không kìm chế được nóng nảy nên đã đánh nữ sinh.
Người thân của nữ sinh cho biết, nạn nhân bị Thành cầm gậy ba khúc đánh phải khâu hơn 10 mũi. Phần mặt của nữ sinh cũng bị chấn thương.
Trước đó, khoảng 16h40 ngày 7/12, Lê Tấn Thành chạy xe máy chở theo một phụ nữ trên đường Bùi Ngọc Thu (phường Trương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một). Khi quay đầu thiếu quan sát, xe của Thành va chạm với 2 học sinh đi xe đạp điện và một phụ nữ chạy xe máy.
Nữ sinh điều khiển xe đạp điện chưa kịp đứng dậy thì bị Thành đạp liên tiếp vào mặt, bụng và người. Tiếp đó, Thành còn cầm gậy ba khúc tiếp tục vụt vào đầu nữ sinh. Sau khi hành hung nữ sinh xong, Lê Tấn Thành nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Toàn bộ diễn biến sự việc đã được camera an ninh của một công ty gần hiện trường ghi lại. Người dân cũng đã đăng đoạn clip này lên mạng xã hội.
Hiện, vụ việc vẫn đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, Lê Tấn Thành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Cơ quan điều tra sẽ sớm vào cuộc xác minh và xử lý đối tượng côn đồ này, làm rõ hành vi người đàn ông gây thương tích cho nạn nhân. Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ lấy lời khai nhân chứng, cho nạn nhân thăm khám điều trị và trưng cầu giám định thương tích.
Trường hợp có kết quả thương tích, dù dưới 11%, cơ quan điều tra vẫn sẽ khởi tố hình sự đối tượng này về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ”, luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, nếu thương tích của nạn nhân dưới 11%, hành vi được xác định là có tính chất côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm... thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt đến 3 năm tù. Trường hợp thương tích từ 11% đến dưới 30%, mức hình phạt là từ 2 đến 6 năm tù.
Cũng theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi của Lê Tấn Thành thể hiện sự côn đồ, hung hãn, vô giáo dục, không những xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác mà còn xâm phạm đến trật tự an toàn nơi công cộng.
Ngoài việc đối diện với án tù, đối tượng còn phải chịu xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ là cây gậy ba khúc theo Điểm c, Khoản 5 và Điểm a, Khoản 8, Điều 10 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đối với hành vi tàng trừ công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.
Đối với hành vi điều khiển xe máy quay đầu xe không quan sát gây tai nạn giao thông, đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 7, Điều 6 Nghị đinh 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
"Hành vi phạm tội của đối tượng đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội và gây ảnh hưởng xấu đến tình tình an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt là có dấu hiệu phạm tội với trẻ em là người dưới 16 tuổi nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe phòng ngừa tội phạm sử dụng bạo lực trong xã hội hiện nay", luật sư Thơm chia sẻ thêm.
Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" như sau:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặcđưa vàocơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 2 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
T.H (th)