Chủ quán bánh xèo bạo hành nhân viên dã man ở Bắc Ninh có thể bị phạt tù
PLBĐ - Các luật sư cho rằng, nữ chủ quán bánh xèo có hành vi tra tấn nhân viên dã man như thời trung cổ ở Bắc Ninh có thể bị phạt tù sau khi cơ quan chức năng giám định được thương tích của nạn nhân.
Sự việc nữ chủ quán bánh xèo tên Nguyễn Thị Ánh Tuyết (34 tuổi, quê Quảng Ngãi) bạo hành 2 nhân viên, trong đó có bé trai 14 tuổi ở Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo điện tử Tổ Quốc, luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc xác định nữ chủ quán có phạm tội hay không, phạm tội gì và mức phạt như thế nào thì phải chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan công an, cũng như dựa vào quá trình tranh tụng tại phiên tòa.
Tuy nhiên, nếu thông tin Tuyết tra tấn dã man nhân viên tại quán là đúng thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội hành hạ người khác. Cụ thể, trong trường hợp này là hành hạ người dưới 16 tuổi, sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Đồng thời, luật sư Hữu lưu ý thêm, nếu cơ quan điều tra xác định được việc hành hạ nêu trên nhằm cố ý gây thương tích cho nạn nhân thì Tuyết sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134.
Cũng theo dõi vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi của nữ chủ quán bánh xèo là vô cùng tàn nhẫn và có thể bị xử lý hình sự. "Chủ quán đã đánh đập, hành hạ bé trai 14 tuổi rất tàn nhẫn, liền một lúc xâm hại nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ là quyền trẻ em, quan hệ lao động, sức khỏe, danh dự nhân phẩm. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh và có thể sẽ xử lý hình sự", luật sư Cương chia sẻ với VTC News.
Theo luật sư, pháp luật không cho phép sử dụng trẻ em 15 tuổi vào các công việc nặng nhọc, thời gian làm việc vất vả.
Theo nguyên tắc sử dụng người lao động chưa thành niên, quy định tại khoản 2, Điều 163, Bộ luật Lao động 2012, người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm việc tối đa 8 giờ một ngày và 40 giờ một tuần. Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần làm rõ bé trai này đã đủ tuổi lao động hay chưa.
Trường hợp nạn nhân chưa đủ tuổi lao động hoặc đủ 15 tuổi nhưng bị chủ nhà hàng sử dụng vào các công việc nặng nhọc, thời gian làm việc dài thì đó là hành vi phạm luật, phải bị xử phạt hành chính.
Đối với hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em (người dưới 16 tuổi) của nữ chủ quán, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc làm rõ để có hình phạt thích đáng.
Như đã đưa tin, tối 23/11, Công an huyện Yên Phong đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết về tội Hành hạ người khác.
Tuyết là chủ quán bánh xèo miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong. Người phụ nữ này bị bắt do đánh đập, bóc lột sức lao động của 2 nhân viên V.V.Đ (21 tuổi) và T.Q.D (14 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi).
Tại cơ quan công an, Tuyết khai đã bắt 2 nhân viên trên làm việc không công từ 7h ngày hôm trước đến 4h ngày hôm sau nhưng không cho ăn uống, giao tiếp với người ngoài.
Mỗi khi cho rằng 2 nhân viên này lười, ở bẩn hay ăn vụng, Tuyết lôi 2 nhân viên ra sau nhà rồi đánh đập bằng nhiều vật dụng như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh…
Sau khoảng 2 tháng làm việc, chiều 21/11, nạn nhân D. lợi dụng Tuyết sơ hở đã bỏ trốn khỏi quán ăn. Khoảng 21h cùng ngày, một người dân đi tập thể dục tại khu Chùa thôn Lạc Nhuế, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong thấy D. ngồi ôm gối co ro sau bụi cây, người đầy thương tích, tinh thần hoảng loạn.
Người đàn ông tốt bụng đã đưa D. về nhà, tắm rửa, sau đó trình báo cơ quan công an rồi cùng cơ quan chức năng đưa D. tới bệnh viện để điều trị.
Hiện, Công an huyện Yên Phong đang trưng cầu giám định thương tích các nạn nhân để xử lý người gây ra vụ việc.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 2 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
T.H (th)