“Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau…”
Phải run người khi chứng kiến bà con oằn mình trong lũ, phải xót ruột khi chứng kiến những cụ già đứng trên mái nhà kêu cứu…, phải đau trước cái đau của đồng loại thì mới “bước ra đi” để hành động.
Tôi có cô em họ sinh ra và lớn lên tại nước Đức xa xôi. Do em học về lĩnh vực xã hội học và biết tôi là nhà báo nên em rất thích tranh luận về các vấn đề xã hội.
Em luôn tự hào các nước phương Tây văn minh, lịch sử và sáng tạo. Điều này tôi luôn thừa nhận vì thực tế lịch sử phát triển các nước đã chứng minh điều đó. Trong mỗi lần tranh luận, tôi luôn tự hào về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, về sức mạnh đoàn kết, một lòng chung lưng đấu cật để tạo nên sức mạnh tập thể. Để cụ thể hơn, tôi dẫn trích nhiều câu chuyện trong thời chiến tranh từ thuở dựng nước và giữ nước để em hiểu hơn.
Tuy nhiên, do sinh ra, trưởng thành và học tập ở môi trường khác, lịch sử dân tộc và văn hóa quê hương em chưa hiểu hết trong khi được nhồi nhét bao nhiêu tư tưởng lề trái của các thế lực thù địch nên em vẫn luôn kiên định với quan điểm của cá nhân mình. Cụ thể trong mỗi lần tranh luận, khi ở thế đuối, em luôn dẫn chứng: "Đoàn kết gì mà đi xe va phải nhau là cứ phải nhảy bổ xuống đánh nhau…". Biết em "cãi cùn" nên tôi đành im lặng…
Và cái đêm lũ lên, hơn 2h sáng, khi nước bủa vây hàng ngàn hộ dân ở Hà Tĩnh, lực lượng chức năng và hàng trăm con người thức trắng đêm với xuồng, ca-nô… mặc hiểm nguy lao vào dòng nước xoáy cứu người. Những hình ảnh đó tôi gửi ngay cho người em họ mà hằng ngày tôi hay tranh luận.
Cứ nghĩ em sẽ đưa ra lý do này kia để tranh luận. Nào ngờ đang trong giờ làm, em gọi face time cho tôi với ánh mắt ngân ngấn: “Sao bà con ta khổ thế hả anh. Cho em gửi chút ít để chia sẻ với bà con anh nhé…”.
Nghe những lời này, tôi xúc động vì em đã hiểu được tình yêu thương đồng loại, hiểu được tinh thần tương thân tương ái, hiểu được thế nào là sức mạnh của đoàn kết…
Những ngày này, đồng bào cả nước hướng về miền Trung ruột thịt. Những nồi bánh chưng, những nắm xôi vừa chín tới được người người cùng nhau “nấu” bằng cả tấm lòng để nhanh chóng đưa đến với bà con vùng lũ.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Con người Việt Nam là vậy, ngày thường có thể ghen ghét, đố kỵ, tranh giành với nhau… nhưng trong cơn hoạn nạn, thiên tai… họ bỏ qua tất cả để đến với nhau, chia ngọt sẻ bùi với nhau.
Hơn 4h sáng, vừa đi cứu trợ về từ vùng lũ Quảng Trị, anh Trần Văn Hậu, quê xã Cương Gián (Nghi Xuân) nhắn tin cho tôi: “Em và anh em đang chuẩn bị thuyền và ca-nô vào cứu bà con”. 6 con người mò mẫm trong đêm với 4 chiếc thuyền và ca-nô vượt hơn 20 km đi từ biển, sông và đường bộ đến với bà con phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh). 3 đêm liên tiếp, những thành viên thiện nguyện này sát cánh cùng lực lượng chức năng lao vào vùng lũ.
“Mỗi lần đưa được người bệnh, người già ra khỏi dòng nước lũ chảy xiết là quên hết mệt nhọc. Mấy đêm liến anh em chưa được nghỉ ngơi nhưng không ai thấy mệt mỏi gì hết” - anh Trần Văn Hậu kể.
Phải run người khi chứng kiến bà con oằn mình trong lũ, phải xót ruột khi chứng kiến những cụ già đứng trên mái nhà kêu cứu… phải đau trước cái đau của đồng loại thì mới “bước ra đi” để hành động. Không ai nói với ai, những tấm lòng thiện nguyện cứ thế nối đuôi nhau lao vào vùng lũ. Nước lũ mênh mông, cuồn cuộn, hiểm nguy vẫn luôn rình rập bên cạnh… Nhưng điều đó không ngăn được tình yêu thương con người…
Có thể trong hàng trăm, hàng ngàn người đi cứu trợ, hoàn cảnh kinh tế của họ không khá giả gì, hằng ngày vẫn đang vất vả mưu sinh. Nhưng ngay lúc này, họ bỏ qua tất cả, họ chấp nhận “vay tạm” bạn bè, người thân… để làm sao nhanh chóng sớm đưa những chuyến hàng nghĩa tình về với bà con vùng lũ.
Và đâu đó trên những chuyến xe cứu trợ, lời bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” của nhạc sỹ Trần Hoàn lại vang lên như thôi thúc những tấm lòng thiện nguyện: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau…”.
Theo Phạm Minh Thùy/Báo Hà Tĩnh