Kẻ bất nhân lừa 100 triệu đồng của vợ công nhân tử nạn tại Rào Trăng 3 đối diện với hình phạt nào?

22/10/2020 17:21

PLBĐ - Luật sư cho rằng, đây là hành vi hết sức tàn nhẫn, vô lương tâm và đáng bị trừng phạt bởi những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Liên quan đến vụ vợ của một công nhân tử nạn trong sự cố Rào Trăng 3 bị kẻ gian gọi điện thoại, lừa đảo chiếm đoạt 100 triệu đồng, trao đổi với Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những năm gần đây tội phạm công nghệ cao phát triển nhanh chóng, hiện tượng lừa đảo thông qua các phương tiện điện tử với hình thức truy cập trái phép vào thông tin, tài khoản của người khác hoặc lừa đảo để đánh cắp mã chuyển tiền là không hiếm.

Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của gia đình nạn nhân, gia đình vừa có người thiệt mạng trong vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 là hành vi hết sức tàn nhẫn, vô lương tâm. Hành vi này đáng bị trừng phạt bởi những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Theo luật sư Cường, cơ quan điều tra chắc chắn sẽ khẩn trương vào cuộc và làm quyết liệt để truy tìm đối tượng lừa đảo, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

"Bản thân đối tượng này có nắm bắt được thông tin của nạn nhân, thậm chí biết được thân nhân nạn nhân có tiền trong tài khoản nên mới chủ động liên hệ, tìm cách tiếp cận và truy cập trái phép vào tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khoanh vùng đối tượng, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để sàng lọc, cùng cố thông tin để xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nêu ý kiến.

Theo luật sư, hành vi của các đối tượng trong vụ việc này sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy, đối tượng đã thực hiện hành vi truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Với số tiền chiếm đoạt dưới 200 triệu đồng thì đối tượng đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù.

"Đây là hành vi tàn nhẫn, tán tận lương tâm. Bởi nỗi đau của gia đình nạn nhân còn chưa dứt, số tiền đó là tiền thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ cho gia đình nạn nhân thế mà bọn chúng cũng nhẫn tâm lừa đảo chiếm đoạt, hành vi là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật hình sự. Bởi vậy cần phải có chế tài nghiêm khắc với những đối tượng như thế này để đảm bảo công bằng trước pháp luật cũng như để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", luật sư Cường nêu ý kiến.

Kẻ bất nhân lừa 100 triệu đồng của vợ công nhân tử nạn tại Rào Trăng 3 đối diện với hình phạt nào?  - Ảnh 1.

Gia cảnh đã khó khăn nay lại bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: VTC News)

Như đã đưa tin, sáng 21/10, Công an huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) cho biết, chiều 20/10, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của gia đình chị Lê Thị Thu Thảo (ở thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô) - vợ anh Trần Văn Lộc (nạn nhân bị tử nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3) về việc bị một kẻ lạ lừa số tiền 100 triệu đồng.

Theo đơn trình báo của chị Thảo, trong những ngày qua, khi biết thông tin về hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ tổng cộng 250 triệu đồng. Số tài khoản nhận tiền chị đứng tên, vừa mở ở Vietcombank Chi nhánh thị xã Quảng Trị. Tuy nhiên, trưa 20/10, có một số điện thoại lạ gọi vào số máy của chị và sau cuộc nói chuyện đó thì tài khoản của chị bị trừ mất 100 triệu đồng.

Theo lời chị Thảo, người đàn ông giới thiệu mình là lê Thanh Nghị, trú tại TP Đà Nẵng. Người này đã động viên, đồng thời còn xác nhận xem có đúng số điện thoại và số tài khoản của chị Thảo hay không. Sau đó, đối tượng này gửi một tin nhắn, gắn thêm một đường link đề nghị chị Thảo nhập thông tin cá nhân vào đường link đó.

Người này nói là tiền từ nước ngoài chuyển về, phải nhập đủ thông tin mới nhận được tiền và cũng hướng dẫn chị chi tiết từng bước. Sau đó, chị đã sử dụng một chiếc điện thoại khác để đăng nhập vào đường link này, làm đúng như hướng dẫn.

Tuy nhiên, trong lúc nói chuyện thì tài khoản của chị 2 lần bị trừ mất tổng cộng 100 triệu đồng và chỉ khi kết thúc cuộc gọi, chị mới phát hiện ra.

Đến lần thứ 3, người này gọi điện đến nhưng vì sợ nên chị Thảo không bắt máy nữa. Do tắt máy nên số tiền 50 triệu đồng bị rút lần 3 giao dịch không thành công nên trả lại vào tài khoản.

Kẻ bất nhân lừa 100 triệu đồng của vợ công nhân tử nạn tại Rào Trăng 3 đối diện với hình phạt nào?  - Ảnh 2.

Thông báo số dư trong tài khoản của chị Thảo bị thâm hụt 100 triệu đồng. (Ảnh: NVCC)

Ngay sau khi nhận được tin báo của nạn nhân, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, tiến hành điều tra truy tìm đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. 

Được biết, sau thông tin vợ nạn nhân tử nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 bị kẻ gian lừa 100 triệu đồng, ngày 21/10, ông Nghiêm Xuân Thành (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank) cho biết, ngân hàng này sẽ tạm ứng cho gia đình nạn nhân 100 triệu đồng để lo chi phí trong cuộc sống, đồng thời đang phối hợp cung cấp toàn bộ thông tin liên quan vụ việc cho cơ quan Công an để sớm tìm ra kẻ lừa đảo, bảo vệ quyền lợi cho chị Thảo.

Chuyên gia chỉ cách tránh bị lừa tiền qua điện thoại

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, Trung tá Đào Trung Hiếu - một điều tra viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng thuộc Công an TP. Hà Nội cho biết, đây là một hình thức lừa đảo thường xuất hiện trên không gian mạng.

Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là gửi tin nhắn qua điện thoại hoặc thư điện tử của nạn nhân. Nội dung chứa liên kết (link) giả mạo trang web hay giao diện các ngân hàng, tổ chức tài chính.

"Chúng dụ nạn nhân truy cập đường link, sau đó điền các thông tin liên quan để đăng nhập như đăng nhập trên trang web chính chủ hoặc ứng dụng ngân hàng trên điện thoại", điều tra viên phân tích.

Sau khi có được thông tin cá nhân của chủ tài khoản, kẻ gian kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện hành vi lừa đảo, đánh cắp tiền trong tài khoản.

Đưa ra khuyến cáo, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh người sử dụng Internet cần chú ý đọc các thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng về các thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra.

"Tuyệt đối không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử như tên đăng nhập, mật khẩu hay mã OTP hoặc truy cập vào đường link lạ trong tin nhắn, thư điện tử (email)", trung tá Hiếu khuyến cáo.

Chuyên gia nhấn mạnh người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn từ ngân hàng, tổ chức tài chính, đặc biệt các tin nhắn có chứa đường link. Tuyệt đối không nên vội vã trả lời hay truy cập đường dẫn trong tin nhắn được gửi đến.

Chủ tài khoản cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập ứng dụng Internet banking, smartbanking để tăng mức độ bảo mật thông tin cá nhân. Ngoài ra, khi phát hiện nghi vấn cần thông báo ngay đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được hướng dẫn, ngăn chặn việc chuyển tiền.

Theo ông Hiếu, khi nghe các cuộc gọi của người lạ hỏi về thông tin cá nhân hay ngân hàng hoặc nhận được tin nhắn nghi vấn, người dân cần từ chối tiết lộ thông tin hoặc trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.

T.H (th)