Kẻ mạo danh ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi từ thiện có thể bị xử lý thế nào?
Theo luật sư, kẻ giả mạo ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi ủng hộ người dân vùng lũ miền Trung nhằm trục lợi có thể lĩnh mức án cao.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện fanpage có tên "Thủy Tiên" đăng bài chạy quảng cáo với nội dung kêu gọi chuyển tiền ủng hộ đồng bào miền Trung gặp khó khăn vì lũ lụt.
Số tiền ủng hộ được trang này yêu cầu gửi đến tài khoản 19036212xxx013 của Le Thi Ngan (ngân hàng Techcombank). Nhiều người bức xúc nhận ra đây là tài khoản giả mạo ca sĩ Thuỷ Tiên với mục đích lừa đảo.
Trả lời VTC News về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, kẻ lập Facebook giả mạo ca sĩ Thủy Tiên đưa thông tin số tài khoản ngân hàng để mọi người tin tưởng chuyển tiền ủng hộ đồng bào miền Trung có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để xử lý kẻ mạo danh ca sĩ Thuỷ Tiên thì cơ quan điều tra phải vào cuộc xác minh làm rõ người lập Facebook giả là ai, bao nhiêu tuổi, mức độ nhận thức và điều khiển hành vi thế nào; Số tài khoản mà đối tượng sử dụng là của ai, người có tài khoản có biết được việc sử dụng tài sản vào mục đích trái pháp luật hay không; Động cơ mục đích giả mạo tài khoản Facebook là gì; Số tiền mà đối tượng đã nhận được là bao nhiêu.
Khi có đủ các thông tin nêu trên thì cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có thể bắt tạm giam kẻ giả mạo ca sĩ Thuỷ Tiên để phục vụ công tác điều tra.
"Đến nay, ca sĩ Thuỷ Tiên đã lên Facebook cá nhân của mình công khai thông tin sự việc, khẳng định tài khoản Facebook đó là giả mạo và người sử dụng tài khoản ngân hàng tên Ngân kia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hành vi mạo danh ca sĩ để quyên góp tiền như vậy rõ ràng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý hình sự người giả danh ca sĩ Thủy Tiên", luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp phân tích, trong trường hợp có căn cứ cho thấy người mạo danh ca sĩ Thủy Tiên chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Với số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì kẻ lừa đảo cũng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trong trường hợp xử lý hình sự thì đối tượng vi phạm trong tình huống này sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội bởi vậy mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
"Người chuyển tiền vào tài khoản ca sĩ Thủy Tiên công bố bởi họ tin tưởng, muốn thông qua nữ ca sĩ đó để từ thiện cho đồng bào miền Trung. Kẻ xấu đã mạo danh nữ ca sĩ này, lợi dụng lòng tin của người khác để họ chuyển tiền vào tài khoản đó rồi chiếm đoạt thì đó là hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu kẻ mạo danh tài khoản Facebook của nữ ca sĩ này để nhận tiền từ thiện, sau đó chuyển toàn bộ số tiền đó cho nữ ca sĩ để thực hiện vào hoạt động từ thiện đúng như thông tin mà nữ ca sĩ này đưa ra trước đó thì người này có thể sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nêu quan điểm.
Tuy nhiên theo luật sư, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người này đã thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, sau khi bị phát hiện mới trả lại số tiền đó thì vẫn xử lý hình sự và hành vi trả lại tiền chỉ là căn cứ để giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Hành vi cấu thành tội phạm từ thời điểm thực hiện thủ đoạn gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản và tội phạm hoàn thành từ thời điểm nhận được tài sản của những nạn nhân.
Bởi vậy, nếu người này đã gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, đã nhận được tài sản rồi mới trả lại thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần do hành vi bồi thường khắc phục hậu quả.
Nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản ở đây được xác định là những người có hành động từ thiện đã nộp tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo.
"Những vụ việc thế này có thể có nhiều đối tượng bàn bạc, cấu kết với nhau để thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp xác định được danh tính những đối tượng bỏ trốn thì có thể truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Với uy tín của nữ ca sĩ Thuỷ Tiên thì mỗi ngày tài khoản của cô được quyên góp ủng hộ khoảng 1 tỷ đồng, bởi vậy số tiền mà kẻ lừa đảo có thể chiếm đoạt cũng sẽ rất lớn nếu như không bị ngăn chặn, phát hiện kịp thời.
Trong trường hợp bắt giữ được kẻ giả mạo và thu hồi được số tiền mà người đó đã chiếm đoạt thì cơ quan tố tụng cũng có thể giao lại số tiền này cho ca sĩ Thủy Tiên để thực hiện hoạt động từ thiện đúng như nội dung cam kết mà ca sĩ đã đưa ra trước đó, trừ trường hợp những người nộp tiền từ thiện (người bị hại trong vụ án) thay đổi ý định", luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm.
Theo luật sư Cường, việc minh bạch hoạt động từ thiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp giả danh từ thiện để chiếm đoạt tài sản là cần thiết để giữ gìn đạo đức xã hội, phát huy những giá trị tích cực trong hoạt động từ thiện, lan tỏa tình yêu thương giữa con người với con người trong những lúc khó khăn, củng cố niềm tin của người dân về lòng tốt và sự tương thân, tương ái.
Xử lý kẻ giả Facebook của ca sĩ Thủy Tiên để quyên góp ủng hộ từ thiện cũng là việc làm cần thiết để răn đe đối với các đối tượng bất chấp đạo đức xã hội, bất chấp pháp luật để trục lợi cá nhân. Khi những đối tượng mạo danh người nổi tiếng bị xử lý thì cũng sẽ giữ gìn được uy tín, sự tin yêu của họ trước công chúng.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ để xử lý nghiêm minh đối với những kẻ mạo danh, ngăn chặn hiện tượng lợi dụng thiên tai, bệnh dịch, tình trạng khẩn cấp để trục lợi cá nhân, làm suy thoái đạo đức xã hội, làm giảm niềm tin của người dân vào các hoạt động từ thiện có ý nghĩa.
Theo VTC News