Vụ bé gái 6 tuổi bị bạo hành dã man ở Bắc Ninh: Bố đẻ và người tình sẽ bị xử lý ra sao?
PLBĐ - Luật sư cho rằng, tùy theo mức độ mà các đối tượng có hành vi bạo hành cháu bé 6 tuổi ở Bắc Ninh có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến vụ bé gái 6 tuổi ở Bắc Ninh bị bạo hành dã man, luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Có thể nói, hành vi đánh đập, bạo hành trên của cha đẻ và người tình đối với cháu bé 6 tuổi là hành vi vi phạm pháp luật. Để có căn cứ xử lý đối tượng này cần dựa vào kết luận điều tra của cơ quan công an, động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi vi phạm".
Vụ bé gái 6 tuổi bị bố đẻ bạo hành dã man ở Bắc Ninh: Hàng xóm sống trong nỗi sợ hãi, nhiều người bị dí dao vào cổ dọa giết nếu tiết lộ sự việc
Theo luật sư, tùy vào tính chất, mức độ của vụ việc mà người có hành vi bạo hành cháu bé có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, Điều 27, Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định, hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa… trẻ em bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, cá nhân này cũng có thể bị xử lý về tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình”.
Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu… thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, người già yếu… thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm.
Bên cạnh đó, với hành vi tàng trữ ma túy tổng hợp và súng K59, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép… vũ khí quân dụng.
Như đã đưa tin, Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đang điều tra vụ bé gái N.A. (6 tuổi) bị bố Đặng Trung Kiên (47 tuổi) bạo hành.
Theo đó, ngày 5/9, bà Lê Thanh Hương (ở phố Tân Lập, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) nhiều lần nghe thấy tiếng gào thét, cầu cứu của cháu nội N.A. nhưng không thể tiếp cận. Bà sau đó trình báo chính quyền.
Cảnh sát tới hiện trường và xác định bé gái bị người tình của Kiên là Lê Thị Nương (36 tuổi, trú huyện Mỹ Đức, Hà Nội) giam bên trong. Lực lượng chức năng nhiều lần thuyết phục người phụ nữ thả bé gái song bất thành.
Đến 18h cùng ngày, Công an đột kích vào ngôi nhà, khống chế Nương, giải cứu bé gái. Lực lượng chức năng sau đó bắt giữ Kiên,
Khám xét nhà Kiên, cơ quan công an thu 1 khẩu súng K59 có 1 hộp tiếp đạn 7 viên, trong đó có 1 viên đã lên nòng; 1 bộ tiếp đạn bên ngoài có 7 viên đạn, 2 dao, 1 cân tiểu ly và khoảng 1007 gam ma túy tổng hợp .
Trong tối cùng ngày, nạn nhân 6 tuổi được đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Từ Sơn. Các bác sĩ kết luận bệnh nhi có nhiều vết bầm tím khắp người, cánh tay phải gãy.
Bước đầu, công an xác định Kiên có hành vi đánh đập con gái trong nhiều ngày.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên49;
c) Đối với 2 người trở lên. Còn tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 thì khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù.
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 1 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 5 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 5 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 1 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 1 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 2 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
T.H (th)