Dấu hiệu phát hiện sớm viêm khớp háng ở trẻ
Viêm khớp háng ở trẻ là tình trạng khớp háng xuất hiện ổ viêm lớn do vi khuẩn xâm nhập, có thể một hoặc cả hai bên. Điều này khiến hệ xương suy yếu, vùng háng sưng tấy, nóng đỏ kèm theo đau nhức, trẻ khó đi đứng và vận động. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp háng ở trẻ
Trẻ mắc viêm khớp háng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sau nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trên thực tế nhiều người cho rằng viêm khớp háng chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng bệnh cũng có thể gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ trai từ 7 - 14 tuổi. Điều đặc biệt, đa số trường hợp viêm khớp háng thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, xuất hiện biến chứng, gây khó khăn cho việc điều trị.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm khớp háng ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng viêm khớp háng có thể do các yếu tố di truyền hoặc trẻ có khiếm khuyết ở sụn khớp, cấu trúc xương… sẽ có nguy cơ cao bị viêm khớp háng.
Ngoài ra, sự xâm nhập, tấn công của virus vào cơ thể hoặc có thể trẻ bị chấn thương khớp chân không được thăm khám điều trị đúng cách cũng có thể dẫn đến viêm khớp háng.
Một số nhà khoa học cho rằng, viêm khớp háng ở trẻ còn do tự miễn, viêm màng hoàng dịch, hoại tử chỏm xương đùi, nhiễm trùng khớp… Điều quan trọng khớp háng có liên quan mật thiết tới chức năng vận động của cơ thể. Bởi vậy, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng tới khả năng đi lại, nguy cơ cao gây thoái hóa khớp khi lớn lên.
Dấu hiệu của viêm khớp háng ở trẻ
Viêm khớp háng ở trẻ không có biểu hiện rõ ràng, nên việc phát hiện càng thêm khó khăn, nhất là khi ở giai đoạn đầu.
Các biểu hiện viêm khớp háng thường thấy ở trẻ là trẻ thường xuyên kêu đau khớp háng, hạn chế vận động, chân trẻ bước khập khiễng, khó xoay khớp háng, ngồi xổm khó khăn. Nếu tắm cha mẹ sẽ thấy trẻ bị sưng đau vùng háng, xương chậu.
Bên cạnh đó còn có một số triệu chứng đi kèm như: Sốt cao (lúc này khớp háng đã bị viêm, sưng), viêm nhiễm tai mũi họng, tiêu hóa bị rối loạn (gây sụt cân do mệt mỏi biếng ăn)… Do đó, hàng ngày trong sinh hoạt, nếu để ý thấy trẻ gặp các vấn đề trên, cha mẹ cần nghi ngờ ngay đến bệnh viêm khớp háng ở trẻ em và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Viêm khớp háng ở trẻ có chữa được không?
Ngoài biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, chụp X-quang, MRI… để xác định bệnh và tìm ra nguyên nhân gây viêm khớp háng, để từ đó có thể đưa ra các liệu trình phù hợp.
Nhiều cha mẹ thường băn khoăn viêm khớp háng ở trẻ có chữa được không, chữa như thế nào. Trên thực tế, tùy từng trường hợp, mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Với nguyên tắc điều trị nội khoa giúp trẻ giảm sưng viêm, giảm đau . Ngoài ra, trẻ được tập vật lý trị liệu với sự hỗ trợ từ cha mẹ theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn.
Chỉnh hình khớp sẽ được áp dụng với những trường hợp trẻ bị viêm khớp háng nặng, để không ảnh hưởng tới khả năng đi lại của trẻ sau này. Với điều trị chỉnh hình khớp, trẻ cần hạn chế đi lại, vận động. Phẫu thuật được cân nhắc khi các phương pháp trên không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tóm lại: Viêm khớp háng ở trẻ sẽ để lại những hậu quả không mong muốn nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý, nếu có nghi ngờ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bên cạnh đó, để phòng tránh các bệnh lý về xương khớp ở trẻ nói chung, cha mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống và vận động khoa học. Trẻ cần tránh ăn các thức ăn nhanh, nhiều ngọt, nhiều dầu mỡ, đồng thời tập thói quen vận động thể dục thể thao phù hợp để tăng khả năng miễn dịch và độ dẻo dai của các cơ xương khớp.