Bố mẹ muốn hiến thận cứu con trai nhưng bất lực vì không có tiền phẫu thuật

Thanh Hải 09/07/2020 13:51

Cả chị Tuyến và chồng không bao giờ nghĩ rằng căn bệnh hiểm nghèo đó lại rơi vào cậu con trai độc nhất của họ. Anh chị đã hết tiền cứu chữa con nhưng không ngần ngại hiến thận để kéo dài sự sống cho con mình.

Đó là hoàn cảnh của vợ chồng chị Đinh Thị Tuyến và anh Đặng Thế Thân cùng sinh năm 1981, hiện thuê trọ ở số nhà 15/13 Kha Vạn Cân, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Đã 4 tháng qua, cứ cách hai ngày một lần, chị Tuyến và chồng lại đưa cậu con trai độc nhất  đến Bệnh viện quận Thủ Đức để chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, thay vì chạy thận 3 lần/tuần cho con, nay do cạn kiệt tiền, anh chị đành phải cắn răng cho con chạy chỉ 2 lần/tuần để giảm chi phí.

Bố mẹ muốn hiến thận cứu con trai độc nhất nhưng tuyệt vọng vì không có tiền để ghép - Ảnh 2.

Đặng Phương Nam - con trai duy nhất của vợ chồng chị Tuyến bị suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp vô căn. Có những lúc huyết áp của em lên đến 200mmHg gây khó thở, choáng váng.

Nhà nghèo bệnh trọng

Khuôn mặt mệt mỏi, giọng đứt quãng, chị Tuyến cho hay, cậu con trai Đặng Phương Nam (sinh năm 2003) là nguồn sống duy nhất của chị đến thời điểm này. 

Hai vợ chồng chị Tuyến quê gốc Ninh Bình, vào Nam lập nghiệp đã hơn 20 năm. Cuộc sống nơi đất khách khó khăn, vợ làm công nhân, chồng làm phu hồ không dư dả nên sau khi sinh Phương Nam, hai vợ chồng chị phải gửi con ra Bắc để ông bà ngoại trông nom.

"Đẻ Nam xong, mẹ đẻ tôi từ quê vào trông cháu nhưng chỉ được hơn 1 tháng là bà phải ra Bắc. Thế là con trai tôi theo bà về Ninh Bình từ khi mới 5 tháng. Đến 5 tuổi, Nam mới lại vào ở với vợ chồng tôi được vài tháng rồi lại ra Bắc học lớp 1. Mãi đến năm lớp 6 cháu mới lại vào và ở lại cùng bố mẹ" - chị Tuyến hồi tưởng lại.

Cũng theo anh Thân và chị Tuyến, Nam rất ngoan và chịu khó, từ nhỏ đến lớn không bị ốm đau bệnh tật gì. Học hết lớp 9, Nam đi học nghề điện và sau Tết vừa rồi, cháu đi phụ hồ cùng bố để kiếm thêm tiền đỡ đần bố mẹ.

Anh Thân bảo, anh không quên được buổi chiều tháng 3/2020, hôm đó Nam đang đi làm phụ hồ với bố thì bị đau đầu dữ dội, chóng mặt. Tối đó, cháu kêu choáng váng, đau đớn, khó thở không chịu nổi nên vợ chồng anh cho con nhập Bệnh viện Hoàn Hảo rồi chuyển qua Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu. Sau cấp cứu rồi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận Nam bị suy thận mạn giai đoạn 5 (giai đoạn cuối, thận bị hư tổn rất nặng) cùng bệnh tăng huyết áp vô căn, quyết định phải chạy thận nhân tạo. 

Bố mẹ muốn hiến thận cứu con trai độc nhất nhưng tuyệt vọng vì không có tiền để ghép - Ảnh 3.

Vợ chồng chị Tuyến đã đưa con trai đi khám tại nhiều bệnh viện và đều có chung kết quả là bị bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo.

Khi nghe bác sĩ thông báo, chị Tuyến bàng hoàng, cảm giác chân không trụ vững còn anh Thân thấy như "sét đánh ngang tai". Cả anh và chị đều hiểu, con mình mắc bệnh hiểm nghèo và đi kèm đó là khoản tiền bệnh phí rất lớn, vượt khả năng chi trả của anh chị.

Kể từ đó, vợ chồng chị Tuyến bắt đầu ròng rã tuần 3 lần đưa con đến Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) để duy trì sự sống. Và mặc dù đến đầu tháng 5 vừa rồi, Nam đã mua được bảo hiểm nhưng tiền thuốc ngoài bảo hiểm và thăm khám các bệnh viện của em mỗi tháng lên đến 8 triệu đồng. 

Với hai vợ chồng đi làm thuê và phải thuê nhà trọ như anh Thân và chị Tuyến, đây quả là một gánh nặng quá sức. 

Bố mẹ muốn hiến thận cứu con trai độc nhất nhưng tuyệt vọng vì không có tiền để ghép - Ảnh 4.

Thay vì chạy thận 3 lần/tuần cho con, nay do cạn kiệt tiền, vợ chồng chị Tuyến đành phải cắn răng cho con chạy chỉ 2 lần/tuần để giảm chi phí.

Ước mơ của cậu bé được làm thợ cắt tóc

Trong suốt buổi nói chuyện tại căn phòng trọ cấp 4 lụp xụp hơn 10m vuông, chị Tuyến luôn chực trào nước mắt. Chị bảo, kể từ lúc con trai nhập viện đến nay, anh chị lo chạy vạy cho con thăm khám các nơi, từ Bệnh viện Hoàn Hảo đến Bệnh viện Chợ Rẫy rồi về Bệnh viện Thủ Đức. Tổng số tiền thăm khám, nằm viện và thuốc thang lên đến gần 150 triệu. 

Đây là khoản tiền thật sự khổng lồ với vợ chồng chị Tuyến. Nó khiến chị nhiều khi đến công ty bước đi không vững, đêm không chợp mắt, nằm vắt tay lên trán không biết làm gì ra tiền để cứu con.

Bởi lẽ, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chị Tuyến nằm trong số công nhân bị cắt giảm ca và thu nhập chỉ còn 3 triệu, trong khi anh Thân đi làm phụ hồ không có người thuê. Do vậy, anh phải đi phụ việc ở một gara ô tô người quen, còn chị đi tìm thêm việc phụ quán ăn và dọn dẹp nhà. 

"Ở nhà có gì bán được là chúng tôi bán, chỗ nào vay được là chúng tôi đã vay để chữa cho con. Ông bà nội, ngoại hai bên ở quê đều nghèo và cũng không biết rõ bệnh tình nguy hiểm của cháu. Vợ chồng tôi giờ muốn về quê cũng không được vì đã xa quê lâu quá rồi. Ở quê cũng không biết kiếm việc gì làm ra tiền, muốn làm xác nhận hộ nghèo cũng lo địa phương không chứng thực cho. Cả hai vợ chồng tôi đều sẵn sàng hiến thận cho con để kéo dài sự sống nhưng tìm hiểu chi phí đến 500 triệu đồng mà thật lòng lúc này, vợ chồng tôi không có tiền " - anh Thân nghẹn ngào.

Bố mẹ muốn hiến thận cứu con trai độc nhất nhưng tuyệt vọng vì không có tiền để ghép - Ảnh 5.

Vợ chồng chị Tuyến, anh Thân trước căn phòng thuê trọ. Chiếc xe máy của họ đã cầm đồ, đây là chiếc xe anh Thân mượn để lấy phương tiện đi lại, làm thêm. Họ không biết xoay xở ra sao để có tiền duy trì cuộc sống và kéo dài sự sống cho con trai.

Trò chuyện với Nam, Nam tâm sự với chúng tôi rằng khi biết mình bị suy thận giai đoạn cuối, em muốn về quê Ninh Bình sống hơn là ở lại Sài Gòn hay Bình Dương bởi ở đó có bạn bè, ông bà nội, ngoại của em. Nam ước muốn sẽ mở được một tiệm cắt tóc bởi ngày nhỏ em thường ra cửa hiệu cắt tóc của một người ở gần nhà ông bà và rất thích công việc này.

Thương cậu con trai đang tuổi thanh niên bỗng dưng phát hiện bệnh hiểm nghèo, sút gần 10 kg và da đen sạm do bị tổn thương tuyến thượng thận, hàng ngày chị Tuyến vẫn cố gắng đi tìm kiếm việc làm thêm để có tiền chữa trị cho con. Ai thuê gì chị cũng không ngại việc. Mỗi khi con trai tỏ ra chán chường là chị lại nắm tay con trai và động viên, xốc lại tinh thần cho con: "Bố mẹ còn sống đây thì con sẽ không sao cả".

Với vợ chồng chị Tuyến, Nam là nguồn sống và gắn kết tình cảm duy nhất. Hai vợ chồng chị không tiếc gì quả thận tốt hơn để dành cho con tiếp tục sống. 

Vậy nhưng, với gia cảnh thực tế khó khăn, kiệt quệ về tiền bạc như chị Tuyến, anh Thân thì việc ghép thận cho cậu con trai độc nhất là không tưởng. Thậm chí, nhiều lúc chị Tuyến đã nguyện chết theo con: "Nếu để con đi một mình thì tôi không đành lòng nào hết. Tôi muốn đi theo con để có mẹ có con, được bao bọc được con ở thế giới bên kia" - giọng chị Tuyến nghẹn lại, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt. 

Đến thời điểm này, vợ chồng chị Tuyến chỉ mong giảm bớt được chi phí chạy thận hàng tháng cho con và có may mắn nhận được hỗ trợ từ cộng đồng. 

Mọi sự giúp đỡ gia đình cháu Đặng Phương Nam - Mã số 577 xin gửi về:

1. Chị Đinh Thị Tuyến. Địa chỉ: Dãy nhà trọ số 15/13 Kha Vạn Cân, phường An Bình, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Số điện thoại: 0396729321

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 577

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 577

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0968831474

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110 , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

6. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã số 577

Kim Vân 

Thanh Hải