Phẫu thuật cắt lách cho bệnh nhi 3 tuổi bị tan máu bẩm sinh

Thanh Hải 06/07/2020 15:17

Bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, thể trạng gầy, xanh xao, bụng căng to. Bác sĩ cho biết bé bị bệnh tan máu bẩm sinh từ khi vài tháng tuổi.

Bệnh nhi D.V.H., 3 tuổi, ở Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, bị bệnh Beta Thalassemia (tan máu bẩm sinh) từ khi được vài tháng tuổi, thường xuyên phải truyền máu.

Mấy tháng gần đây, bé H. luôn trong tình trạng thiếu máu nặng, tần suất truyền máu 10 ngày/lần, xét nghiệm máu thường xuyên dưới 2 triệu. Thể trạng bé H. gầy, xanh xao, bụng căng to.

Các bác sĩ bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc khám cho bệnh nhi thấy lách rất to (độ IV), cực dưới của lách nằm trong hố chậu trái. Vì vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt lách cho bé.

phau_thuat_cho_benh_nhi_3_tuoi
Các bác sĩ mổ cắt lách cho bệnh nhi bị Beta Thalassemia. Ảnh: BVCC.

Ê-kíp phẫu thuật đã đánh giá những nguy cơ có thể xảy ra với bệnh nhi và chuẩn bị những phương án dự phòng sẵn sàng ứng phó. Sau gần 2 giờ thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Sau mổ một ngày, trẻ tỉnh, toàn trạng tốt, vết mổ khô.

Một tuần sau, sức khỏe của trẻ ổn định, toàn trạng khỏe, ăn ngủ tốt, đại tiểu tiện bình thường, vết mổ liền tốt, các xét nghiệm về máu trong giới hạn bình thường và được xuất viện.

Thalassemia là rối loạn máu di truyền khiến cơ thể có ít huyết sắc tố hơn bình thường. Huyết sắc tố là protein trong các tế bào hồng cầu mang oxy. Các triệu chứng của bệnh tan máu bẩm sinh là mệt mỏi, yếu, da nhợt nhạt, biến dạng xương mặt, tăng trưởng chậm, bụng to, nước tiểu đậm.

Một số trẻ có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Thalassemia ngay khi sinh; những trường hợp khác phát triển chúng trong 2 năm đầu đời. Nhưng cũng có một số bệnh nhân chỉ có một gen huyết sắc tố mắc Thalassemia không có triệu chứng cụ thể.

Một số phương pháp có thể được lựa chọn để điều trị bệnh tan máu bẩm sinh bao gồm truyền máu, cấy ghép tủy xương, thuốc và chất bổ sung, phẫu thuật loại bỏ lá lách hoặc túi mật.

Đối với trẻ em, khi không được điều trị kịp thời, bệnh tan máu bẩm sinh có thể dẫn đến các vấn đề về gan, tim và lá lách. Nhiễm trùng và suy tim là biến chứng đe dọa tính mạng thường xảy ra ở trẻ em mắc bệnh này.

(Theo Tri thức trực tuyến)

https://zingnews.vn/cat-lach-cho-tre-3-tuoi-bi-tan-mau-bam-sinh-post1103439.html

Thanh Hải