Bảo vệ trẻ em: Đừng hô khẩu hiệu suông!
Hãy xử lý nghiêm khắc, không có bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào với những kẻ bạo hành, xâm hại trẻ em. Bảo vệ trẻ em hãy bằng hành động thiết thực, đừng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu...
Tháng 6 - Tháng Hành động vì trẻ em - vừa trôi qua không dễ chịu bởi liên tiếp những vụ việc trẻ bị bỏ rơi, bị bạo hành và xâm hại gieo vào lòng người nỗi xót xa, day dứt khôn nguôi.
Một bé sơ sinh 23 ngày tuổi ở TP Hà Nội bị mẹ bỏ rơi dưới hố ga suốt 40 giờ. Một bé gái ở quận Tân Phú, TP HCM bị cha dượng đánh đập, xách cổ, dúi đầu vào tường trong sự câm lặng của người mẹ ruột. Một bé trai 8 tuổi bị người đàn ông 65 tuổi xâm hại trong thang máy ở TP HCM.
Việt Nam là một trong những nước sớm thông qua Công ước về quyền trẻ em. Chúng ta có một hệ thống pháp luật với những quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ trẻ em một cách tối ưu. Có ít nhất 17 cơ quan có thẩm quyền tham gia vào việc bảo vệ trẻ em và đường dây nóng 111 tiếp nhận, xử lý các tình huống liên quan đến việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại.
Vậy mà những vụ việc đáng buồn làm tổn thương, tổn hại đến con trẻ như trên vẫn diễn ra đầy nhức nhối. Lỗ hổng xuất hiện từ đâu?
Thứ nhất, tỉ lệ nạo phá thai của phụ nữ Việt Nam luôn nằm trong tốp khá cao. Một số trẻ sinh ra ngoài ý muốn bị bỏ rơi nơi này nơi kia. Vì vậy, trang bị kiến thức giới tính, sinh sản cho những ông bố bà mẹ tương lai cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, việc nhà tình thương, nhà tạm lánh được xây dựng, bảo đảm cuộc sống của các bà mẹ đơn thân, các con cơ nhỡ sẽ là chiếc phao cứu sinh giúp những mảnh đời bớt đơn côi và những đứa trẻ bớt tổn thương.
Thứ hai, vẫn còn suy nghĩ "thương cho roi cho vọt", cha mẹ dùng đòn roi với con cái là một phương pháp giáo dục. Chính điều này vô hình trung tạo ra nhiều hệ lụy khi trẻ liên tục bị đánh mà người ngoài ít có cơ hội can thiệp dẫn đến những tổn thương về thể xác lẫn tâm lý.
Thứ ba, chúng ta có một hệ thống pháp luật quy định chặt chẽ về việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, nhiều hành vi lạm dụng, bạo lực trẻ vẫn đang xử lý chưa đến nơi đến chốn, chưa đủ sức răn đe khiến hành vi tổn hại con trẻ tiếp diễn.
Để góp phần chấm dứt những câu chuyện buồn về trẻ em bị xâm hại, bạo hành, cơ quan chức năng cần quyết liệt thực hiện nghiêm những quy định hiện có của pháp luật. Xin hãy xử lý nghiêm khắc, không có bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào với những kẻ bạo hành, xâm hại trẻ em. Bảo vệ trẻ em hãy bằng hành động thiết thực, đừng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu...
(Theo Người lao động)
https://nld.com.vn/ban-doc/dung-ho-khau-hieu-suong-20200702203336119.htm