Nhóm trẻ vị thành niên tổ chức sử dụng chất ma tuý sẽ bị xử lý thế nào?

Linh Thùy 25/03/2023 12:57

Theo công an, trong số 6 trẻ vị thành niên tổ chức và sử dụng trái phép chất ma túy ở nhà nghỉ thì có 4 em hoàn cảnh gia đình trái ngang khi bố mẹ ly hôn, qua đời hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù…

Ngày 25/3, Công an thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đang tạm giữ 2 trẻ vị thành niên về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy .

Trước đó, 2 trẻ vị thành niên này đã cùng một nhóm bạn tổng cộng 6 người ở độ tuổi từ 14 đến 17 tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Dĩnh Kế. Cả nhóm bị Công an phường Dĩnh Kế và Đội cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an thành phố Bắc Giang kiểm tra, bắt quả tang.

Lực lượng chức năng đã thu giữ 2 túi ni lông bên trong bám dính chất tinh thể màu trắng nghi là ma túy, 1 thẻ cứng màu trắng, 1 ống hút, 1 tờ tiền còn bám dính chất tinh thể nghi là ma túy.

Nhóm trẻ vị thành niên tổ chức sử dụng chất ma túy sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Một trẻ tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an Bắc Giang

Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cho biết: Về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy của nhóm vị thành niên ở độ tuổi từ 14 đến 17 thì căn cứ vào điểm b, c khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã quy định như sau:

"2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

b) Đối với 2 người trở lên;

c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì 2 trẻ vị thành niên trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với khung hình phạt rất cao.

Nhóm trẻ vị thành niên tổ chức sử dụng chất ma túy sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X).

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Như vậy có thể thấy, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 255 không được liệt kê trong khoản 2 nêu trên. Do vậy, trong nhóm trẻ vị thành niên chỉ có trẻ từ đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Đưa ra lời khuyên để phòng tránh các trường hợp trẻ vị thành niên tham gia tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, luật sư Lê Hoàng Phúc An chia sẻ: Gia đình chính là một trong những yếu tố quan trọng, là nền tảng giáo dục quan trọng góp phần định hình tính cách, hành vi của trẻ sau này. Ở lứa tuổi "nổi loạn", nếu không có cha mẹ bên cạnh điều chỉnh hành vi thì trẻ em dễ bị lôi kéo, xúi giục dẫn đến các hành vi không kiểm soát.

Để giảm tình trạng trẻ em phạm tội, các bậc cha mẹ cần tăng cường quản lý con cái, xã hội có giải pháp ngăn ngừa, tạo ra "sức đề kháng" cho giới trẻ… Cần một cuộc tuyên truyền sâu rộng đến các bậc cha mẹ về trách nhiệm với con cái. Nền tảng giáo dục của gia đình chính là sự chăm sóc, gần gũi thương yêu nhau, lắng nghe và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn.

Khi ngôi nhà thật sự là tổ ấm, nơi đó mỗi đứa trẻ nhận được đủ đầy sự yêu thương, chăm sóc về tinh thần và thể chất thì nhà trường sẽ có thêm những học sinh ngoan, xã hội sẽ có thêm những công dân tốt...

"Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động nhạy cảm, xây dựng không gian vui chơi giải trí bổ ích cho thanh niên giúp các em tránh xa những cám dỗ", luật sư Phúc An bày tỏ.


Linh Thùy