Xác định người mẹ bỏ con trai mới sinh dưới hố ga giữa nắng nóng 40 độ C
PLBĐ - Tại cơ quan điều tra, người mẹ bỏ rơi con dưới hố ga khai nhận do kinh tế khó khăn, không có khả năng nuôi nên đã vứt bỏ đứa trẻ ngay sau khi sinh.
Ngày 10/6, đại diện Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi tiếp nhận tin báo về trường hợp một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga ở xã Thanh Mỹ, Công an thị xã Sơn Tây phối hợp Viện kiểm sát nhân dân thị xã và các đơn vị chức năng khẩn trương khám nghiệm hiện trường, điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc.
Đến chiều ngày 9/6, Công an thị xã Sơn Tây đã xác định người bỏ rơi cháu bé là P.T.T (SN 1989, trú tại Hà Nam, mẹ cháu bé).
Tại cơ quan công an, T. khai nhận ngày 6/6 đã đón xe buýt lên thị xã Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h đêm ngày 6/6, T. thấy vỡ nước ối và trở dạ. Người phụ nữ này đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh cháu bé.
Tại cơ quan điều tra, người phụ nữ trên khai nhận vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con nên ngay khi sinh, đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, người này xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm TP Hà Nội.
Hiện Công an thị xã Sơn Tây đang lập hồ sơ xử lý hành vi của P.T.T theo đúng quy định của pháp luật và phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho cháu bé.
Trước đó, khoảng 15h ngày 8/6, người dân xã Thanh Mỹ đã phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga bỏ hoang còn nguyên dây rốn. Khi phát hiện, cháu bé không có đồ đạc kèm theo, trên người cũng không được mặc quần áo. Nguy hiểm hơn cháu bé còn bị kiến, dòi bu đầy mắt, mũi, miệng tai và cuống rốn.
Được biết, những ngày vừa qua Hà Nội nắng nóng trên 40 độ C, vì thế việc bé trai bị bỏ rơi 3 ngày vẫn sống sót là điều kỳ diệu. Một số người dân cho biết trước đó họ có nghe tiếng khóc nhưng tưởng mèo kêu nên không ai phát hiện ra.
Ngay sau đó, UBND, Công an xã Thanh Mỹ cùng Trạm y tế xã Thanh Mỹ đã cho sơ cứu cháu bé rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây rồi chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu. Cháu bé bị nhiễm trùng trùng nặng, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Thông tin về sức khỏe của bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới nắng nóng 40 độ C, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, tình trạng bệnh nhi đang được cải thiện.
Mắt của bệnh nhi tuy vẫn còn phù nề nhưng tiến triển tích cực, tình trạng nhiễm khuẩn cũng như nhiễm khuẩn tiêu hóa đang có chuyển biến tốt. Bệnh nhi nặng 3kg, tăng 2gr so với thời điểm mới nhập viện chỉ có 2,8kg.
Theo các bác sĩ, với những cải thiện như hiện nay, tình trạng của bệnh nhi hoàn toàn có thể điều trị được song sẽ mất thêm nhiều thời gian.
Bỏ con mới đẻ có bị xử lý hình sự?
Thời gian qua đã có không ít trẻ bị bỏ rơi ngay khi mới chào đời, trong đó chỉ có một số em may mắn sống sót. Tình trạng này khiến dư luận đau xót, phẫn nộ và đặt câu hỏi: “Phải chăng nguyên nhân chính là do các đối tượng bỏ rơi trẻ sơ sinh chưa bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật”?
Về nội dung này, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Luật Trẻ em 2016, cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Pháp luật nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi con của mình. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; Cha mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trường hợp đứa bé sinh ra còn sống nhưng bị mẹ đẻ hoặc những người thân khác trong gia đình vứt bỏ gây tử vong thì các đối tượng này có thể bị xử lý hình sự về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124 BLHS 2015
Điều 124 BLHS 2015 quy định, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phân tích về tội danh này, Luật sư Nguyễn Thị Thu cho rằng, tội phạm trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người. Ngoài ra, tội phạm còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đó là tình mẫu tử, xâm phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Tội giết con mới đẻ thực hiện bằng hành động như bóp cổ, thắt cổ, đâm, chém, chôn đứa trẻ… Hành vi nói trên cũng có thể được thực hiện bằng hành động như người mẹ của đứa trẻ không cho con bú, không cho con đang ốm uống thuốc dẫn đến đứa trẻ chết.
Hành vi vứt bỏ con mới đẻ thể hiện sau khi đẻ ra người mẹ đã bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài chợ, bệnh viện, chùa chiền, cống rãnh…Với ttrường hợp này, người mẹ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
Con mới đẻ là trường hợp đứa trẻ phải chính do người phụ nữ đó đẻ ra chứ không phải con nuôi và mới sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi trở lại, nếu ngoài 7 ngày tuổi, người mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh có mức hình phạt nặng hơn là tội Giết người.
Hậu quả xảy ra đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này.
“Việc người mẹ vứt bỏ trẻ ngay khi bé mới chào đời là việc làm vô đạo đức, không thể chấp nhận được. Do đứa trẻ được cứu sống nên việc xử lý hình sự đối với người mẹ không đặt ra. Tuy vậy, bản án lương tâm, sự lên án của dư luận sẽ theo họ suốt cuộc đời” - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.
T.H (th)