Phân tích căn cứ trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không khi phát hiện trong hành lý có số lượng ma túy lớn?

Bình Minh 23/03/2023 10:40

Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy nhưng không chứng minh được họ biết đây là chất ma túy nên hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ không xử lý hình sự với các nữ tiếp viên hàng không.

Xác nhận trên báo VietNamNet, Trung tướng Tô Ân Xô- người phát ngôn Bộ Công an cho biết, ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án "vận chuyển trái phép chất ma tuý" để điều tra làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, vào lúc 8h45 phút ngày 16/3, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiến hành soi chiếu và nghi vấn một số hành lý của tiếp viên có mang chất cấm. Kết quả phát hiện trong hành lý của 4 tiếp viên có thuốc lắc và methamphetamine.

Cụ thể, kiểm tra 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng trong hành lý của các tiếp viên, lực lượng chức năng tìm thấy 11,4kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp, gồm 8.400 gram viên nén màu xám, 3.080 chất bột màu trắng, tất cả các mẫu thử đều là ma túy.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật, bước đầu xác định: Khi 4 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có 1 đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng, 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.

"Các tiếp viên không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển, có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma tuý, do vậy chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự những người này", Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.

Căn cứ nào để trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không khi phát hiện trong hành lý có số lượng ma túy lớn? - Ảnh 2.

Số ma túy được giấu trong các hộp kem đánh răng bị bắt giữ. Ảnh: TL

Bình luận về việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, với nguyên tắc suy đoán vô tội, tôn trọng sự thật khách quan thì không có gì bất ngờ khi cơ quan cảnh sát điều tra trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật thì đây là trong giai đoạn xác minh tin báo, quá trình tạm giữ để làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi của bốn nữ tiếp viên hàng không này không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ trả tự do cho nghi phạm.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì việc cơ quan hải quan phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện trong hành lý của các nữ tiếp viên này có chứa chất ma túy với số lượng rất lớn. Hành vi này có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra tiến hành tạm giữ hình sự, thực hiện thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp để tiến hành xác minh làm rõ là có căn cứ, đúng pháp luật.

Pháp luật quy định cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, bị can bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, không có nghĩa vụ nhận tội, thậm chí không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình.

Trong quá trình xác minh, điều tra vụ án hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong các thủ tục tố tụng, lời khai nhận tội (nếu có) cũng không phải là căn cứ duy nhất để kết tội. Nếu người vi phạm không nhận tội thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bằng chứng cứ. Trường hợp không chứng minh được có hành vi phạm tội hoặc hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì mặc nhiên nghi phạm không có tội. Khi đó phải tuyên bố nghi phạm không có tội, trả tự do cho họ. Nghi ngờ không phải là xấu, trong tố tụng, nghi ngờ là căn cứ để chứng minh tội phạm. Kết quả chứng minh sẽ "giải nghi", minh oan cho người bị nghi ngờ nếu thực sự họ không thực hiện hành vi phạm tội.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" được quy định tại Điều 250, theo đó người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy phải biết rõ chất mà mình vận chuyển là chất ma túy (các chất trong danh mục chất ma túy được nhà nước quy định). Họ phải nhận thức được hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác thì hành vi mới thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Còn trường hợp người nào tàng trữ, vận chuyển chất ma túy nhưng không biết đó là chất ma túy thì hành vi không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy nhưng không chứng minh được người tàng trữ, vận chuyển biết đây là chất ma túy. Hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm về mặt chủ quan của tội phạm, nói cách khác người vận chuyển không có lỗi do không nhận thức được đây là chất ma túy thì sẽ không xử lý hình sự đối với họ.

Lời khai ban đầu của các nữ tiếp viên này là họ nhận hàng hóa là kem đánh răng, họ có kiểm tra nhưng không phát hiện bên trong có ma túy và tiền công chỉ có 10.000.000 đồng. Nếu lời khai này là đúng thì hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm bởi những người này không biết đây là chất ma túy.

Còn lời khai này là không đúng, số tiền công nhiều hơn thế rất nhiều lần thì có thể nghi ngờ, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ cho thấy những người này đã kiểm tra, phát hiện đây là chất ma túy nhưng vẫn cố ý vận chuyển vì vụ lợi thì mới đủ căn cứ để xử lý hình sự. Cho đến nay kết quả xác minh cho thấy lời khai của các nữ tiếp viên này là đúng, họ không biết đây là chất ma túy nên cơ quan điều tra buộc phải trả tự do cho họ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, của công dân theo quy định của pháp luật.

Căn cứ nào để trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không khi phát hiện trong hành lý có số lượng ma túy lớn? - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường nhận định, cơ quan điều tra tạm giữ đối với các nữ tiếp viên để xác minh là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật

Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, nhiều người đang nhầm lẫn khái niệm "bắt người phạm tội quả tang" và "bắt quả tang vận chuyển chất ma tuý". Chỉ được coi là bắt người phạm tội quả tang nếu như có căn cứ cho thấy người đó đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Còn nếu trường hợp bắt quả tang người nghi thực hiện hành vi nguy hiểm nhưng chưa có căn cứ cho thấy hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chỉ có thể "tạm giữ" (chứ không phải là bắt khẩn cấp, bắt để tạm giam) để xác minh. Hết thời hạn xác minh mà không chứng minh được hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ...

Pháp luật quy định thời hạn tạm giữ là 3 ngày và cơ quan tiến hành tố tụng có thể gia hạn hai lần, mỗi lần không quá 3 ngày. Như vậy pháp luật quy định tổng thời gian tạm giữ không quá 9 ngày. Hết thời hạn này mà không chứng minh được người bị tạm giữ thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ.

Tuy nhiên, chưa đến thời hạn tối đa mà cơ quan điều tra đã trả tự do cho 4 nữ tiếp viên này thì điều đó chứng tỏ trong những ngày qua kết quả xác minh cho thấy họ không biết đây là chất ma túy nên hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 250 (BLHS 2015).

Việc tạm giữ hình sự đối với 4 nữ tiếp viên này hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp không đủ căn cứ kết tội đối với 4 nữ tiếp viên thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng không phải xin lỗi, bồi thường cho họ. Theo quy định của pháp luật thì một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, nếu khởi tố, tạm giam nhưng không chứng minh được tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do và xin lỗi phải bồi thường đối với người đã bị khởi tố. 

Còn đối với người bị tạm giữ, việc tạm giữ là có căn cứ, cơ quan điều tra chưa khởi tố, chưa tạm giam thì thời gian tạm giữ không được xác định là thiệt hại, người bị tạm giữ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo khoản 1 (Điều 3, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015) quy định: Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tạm giữ hình sự là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

"Trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng phát hiện ma túy số lượng lớn có trong hành lý của các tiếp viên hàng không, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì trường hợp này có dấu hiệu tội phạm. Do đó, cơ quan điều tra áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ đối với các nữ tiếp viên này để xác minh là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật", Tiến sĩ Cường phân tích.

Bình Minh