Trường học rất cần cây xanh
Sau vụ cây phượng ngã đổ đè 18 học sinh, trong đó 1 em tử vong tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM) hôm 26-5, nhiều trường học trên cả nước đã có các biện pháp đối phó với cây đổ nhằm bảo vệ học sinh
Trong đó, nhiều trường còn quyết định chặt hết cành của các cây phượng trong khuôn viên trường học, thậm chí chặt bỏ cây to, không trồng thêm cây mới...
Có thể hiểu và chia sẻ động thái này của các trường học trên khắp cả nước, đặc biệt là tại TP HCM. Tuy nhiên, cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng trong trường học và đối với các đô thị. Không thể xóa các mảng xanh trong trường học mà cần phải được duy trì, quản lý phù hợp.
Trong tình trạng các chỉ số về môi trường và ô nhiễm không khí của thành phố ngày càng xấu đi, việc duy trì cây xanh trong trường học là điều vô cùng cần thiết giúp điều hòa khí hậu, lọc sạch không khí, tạo bóng mát và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một góc cây xanh trong sân trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM)
Cây xanh trường học còn tạo cảnh quan, nâng cao thẩm mỹ cho trường học, giảm nóng bức, mang tới không gian tươi mát. Rất nhiều trường học trong thành phố, nơi nhà trường chưa có điều kiện làm bạt che, mọi sinh hoạt dưới cờ, toàn trường của học sinh đều diễn ra dưới bóng những cây phượng, xà cừ, điệp vàng, bằng lăng… Bao nhiêu thế hệ học sinh khi nghĩ đến trường mình thường nghĩ ngay đến mùa hoa phượng nở, hoa điệp vàng, tiếng ve kêu râm ran trên khắp các vòm cây.
Việc duy trì mảng xanh trong trường học càng cần thiết, bởi các thành phố lớn tại Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt mảng xanh trầm trọng. Tính đến cuối năm 2018, TP HCM chỉ có 491,16 ha đất công viên, bao gồm các công viên công cộng và công viên trong khu nhà ở. Diện tích đất công viên chỉ đạt bình quân 0,49 m2/người, chưa bằng 1/15 theo tiêu chuẩn chung là 12-15 m2/người, và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24 ban hành ngày 6-1-2010). Sở Xây dựng TP HCM đánh giá, số lượng công viên cây xanh trên địa bàn TP không đủ đáp ứng với dân số trên 10 triệu người hiện nay. Diện tích cây xanh trên đầu người của TP chỉ bằng 1/18 so với Singapore.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nguy cơ cây gãy đổ, thiếu an toàn vào mùa mưa với học sinh tại trường học. Cây trồng trong TP với thực trạng bê tông hóa hiện nay, thường khó có khả năng bám rễ sâu vào lòng đất và do vậy, nguy cơ gãy đổ càng cao. Một cây phượng nếu sống bình thường ngoài tự nhiên, bộ rễ sẽ to gấp ít nhất 2 lần so với tán lá của nó. Nhưng ở trường học hoặc tại một số nơi trong TP, bộ rễ này nhiều khi chỉ bám cạn trên mặt đất và rất dễ đổ ngã. Cây quá già cũng dễ gãy đổ. Cây phượng ở trường học có tuổi thọ 30-50 năm. Cây phượng ở Trường THCS Bạch Đằng lúc đổ ngã đã được trồng 24 năm trước, nghĩa là cũng đã già và nguy cơ gãy đổ là cao.
Giải pháp nào để vẫn có thể tiếp tục duy trì mảng xanh trong trường học, đồng thời đảm bảo an toàn cho học sinh?
- Thứ nhất, cần tiến hành rà soát kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hàng năm, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Tiến hành chặt tỉa cành, đánh giá mức độ mục ruỗng, độ tuổi của cây, khả năng gãy đổ để quyết định thay bằng cây trồng mới.
- Thứ hai, hướng dẫn học sinh các quy tắc an toàn trong mùa mưa bão, đề phòng cây đổ, điện giật... Học sinh nên tránh không sinh hoạt dưới gốc cây, đặc biệt vào những ngày trời gió to hoặc sau trận mưa bão. Học sinh cũng cần được học cách quan sát xung quanh, khẩn trương chạy ra xa khi thấy cây bắt đầu có hiện tượng rung lắc mạnh.
- Thứ ba, khi quyết định trồng cây tại khuôn viên các trường học, nhà trường cần tham khảo các chuyên gia về cây xanh trong trường học, để chọn được loài cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khuôn viên trường học và nhu cầu của nhà trường (như cây cho bóng mát, hoa đẹp, phát triển nhanh nhưng tuổi thọ lại ngắn; cây cho bóng mát, không nhiều hoa, chậm phát triển hơn nhưng tuổi thọ cao và vững chắc...).
- Thứ tư, khi trồng cây cần lưu ý kỹ thuật trồng cây, đào hố đủ to, đủ sâu... giúp cho bộ rễ phát triển sâu rộng, bám vững vàng vào đất. Kích thước cây trồng cũng cần lưu ý, những cây đã to với đường kính thân lên tới 20-30cm, khi đem trồng sẽ nhanh tạo bóng mát, nhưng rễ lại không bám sâu vào lòng đất và do vậy khả năng đổ ngã cao hơn so với trồng cây nhỏ hơn.
Việc duy trì cây xanh trong trường học là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của học sinh và môi trường nói chung. Chính vì thế, rất mong các trường cần sáng suốt trong các quyết định, để đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng không làm mất cân bằng sinh thái, và đặc biệt góp phần duy trì mảng xanh của TP.
(Theo Người lao động)
https://nld.com.vn/ban-doc/truong-hoc-rat-can-cay-xanh-20200530133131344.htm