Hai bé trai bị bỏng nặng khi bị tấn công bằng bom xăng
Một trong 2 bé phải tiếp tục cắt lọc và ghép da nếu vết bỏng tiến triển xấu hơn. Bé còn lại bỏng 10% diện tích cơ thể.
Sáng 29/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết các bác sĩ khoa Bỏng - Chỉnh trực đang điều trị cho hai bệnh nhi bị bỏng bom xăng. Đây là hai nạn nhân trong sự việc bị tấn công bằng bom xăng xảy ra ở khu nhà trọ phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương, tối 18/5.
Hai bệnh nhi được người thân chuyển từ Bình Dương đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng bị bỏng nặng.
Các bác sĩ đã nhanh chóng dùng thuốc giảm đau, xử trí vết bỏng, cắt lọc phần mô hoại tử và hồi sức cho hai bé. Bé N.T.Đ. bị bỏng nhiều nơi, chiếm khoảng 10% diện tích cơ thể đã bình phục và xuất viện.
Riêng bé N.T.C (3 tuổi) bị bỏng nặng ở vùng mặt, 2 tay, 2 chân và vùng bụng với diện tích khoảng 25% với mức độ bỏng sâu độ II gây đau đớn và nhiễm trùng nặng.
Sáng 28/5, các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc cắt mô da hoại tử của bé. Theo đánh giá, bé phải tiếp tục cắt lọc và ghép da nếu vết bỏng tiến triển xấu hơn. Ngoài ra, các di chứng sau này nhất là sẹo co rút vùng bàn tay, bàn chân sẽ là thách thức đối với y bác sĩ và bản thân bé cùng gia đình.
Bỏng là một chấn thương đối với da và mô do nhiều nguyên nhân như nhiệt, điện, hoá chất, ma sát hay bức xạ, trong đó, bỏng do nhiệt (lửa) thường nặng. Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng.
Bỏng bề mặt da có thể dùng thuốc giảm đau đơn thuần, chăm sóc đơn giản nhưng vết bỏng lớn đòi hỏi phải điều trị kéo dài trong các trung tâm chuyên khoa. Khi bị bỏng nhẹ, mọi người cần bình tĩnh, ngâm vết thương trong nước hoặc rửa dưới vòi nước chảy nhẹ và băng với gạc sạch. Bỏng sâu hơn cần điều trị bằng dịch truyền, phẫu thuật cắt lọc và ghép da.
Các biến chứng thường gặp nhất của bỏng thường liên quan đến nhiễm trùng và sẹo co rút. Mỗi ngày, khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, tiếp nhận khoảng 3-5 ca bỏng ở nhiều mức độ khác nhau. Đa số trường hợp thường bỏng nặng, bác sĩ phải thực hiện cắt lọc, ghép da.
BSCKII Trương Anh Mậu, Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực, cho hay nhiều trường hợp sau cắt lọc phải truyền máu, truyền dịch nhưng cũng có bệnh nhi vì quá nặng, không qua khỏi. Trường hợp may mắn qua khỏi lại chịu di chứng co rút sau bỏng.
"Phụ huynh cần chú ý, quan tâm và hết sức đề phòng tai nạn liên quan đến bỏng để các em nhỏ không phải chịu nỗi đau suốt đời”, bác sĩ Mậu khuyến cáo.
(Theo Tri thức trực tuyến)
https://zingnews.vn/hai-be-trai-bong-nang-khi-khu-nha-tro-bi-nem-bom-xang-post1089846.html