CSGT phạt người dùng giấy đăng ký xe phô tô do giấy tờ cầm cố có đúng luật?
Theo luật sư, khi người lái xe bị kiểm tra mà chỉ có bản phô tô của đăng ký xe thì vẫn bị xử phạt… Tuy nhiên, nếu chứng minh được việc giấy tờ đã đem cầm cố thì có thể CSGT sẽ chỉ cảnh cáo, nhắc nhở.
Nói về việc cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt người điều khiển xe máy không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (gọi tắt là bảo hiểm xe máy bắt buộc), em Lê Thị Thiên – sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng: “Đa phần các chiến sĩ CSGT dừng xe là do mình đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm, xe không gương chiếu hậu… Sau khi dừng xe, các chiến sĩ CSGT mới tiến hành kiểm tra hành chính như giấy tờ xe, bảo hiểm xe máy…”.
Gần đây, theo thông tin trên báo chí, một số người dân ở TP.HCM bị xử phạt tới 1.350.000 đồng vì đi xe máy nhưng không mang các loại giấy tờ theo quy định (gồm: giấy đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm bắt buộc, giấy tờ tùy thân) hoặc sử dụng giấy đăng ký xe bản phô tô khiến dư luận dấy lên một số luồng ý kiến trái chiều: Việc CSGT xử phạt người điều khiển phương tiện như thế là đúng hay sai, nên hay không? Giấy đăng ký phương tiện bản phô tô được chấp nhận thay cho bản gốc với điều kiện nào?
Trao đổi với PV về sự việc này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Căn cứ vào khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và căn cứ Công văn 8601/VPCP-CN về việc sử dụng Giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông (gọi tắt là giấy đăng ký xe - PV) trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại tổ chức tín dụng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Luật sư Bình nói thêm, đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ theo quy định thì sẽ bị xử lý. Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng và tạm giữ phương tiện theo quy định.
Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện).
Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản mà người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản.
Chúng ta cũng có thể sử dụng biên bản còn thời hạn của CSGT để thay thế cho đăng ký xe khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ có bản phô tô của đăng ký xe mà không có kèm theo giấy biên nhận của tổ chức tín dụng hoặc biên bản vi phạm thì vẫn bị xử phạt đối với lỗi không có đăng ký xe.
"Nhưng nếu người điều khiển phương tiện giải trình và chứng minh với CSGT về việc giấy tờ đã đem cầm cố thì có thể CSGT cũng chỉ cảnh cáo, nhắc nhở", luật sư Bình nêu quan điểm.
(Theo Infonet)
https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/csgt-phat-nguoi-dung-giay-dang-ky-pho-to-do-giay-to-mang-cam-co-co-dung-luat-khong-253009.html