Nhận biết sắp có mưa đá để phòng tránh
Chiều tối 19/3, trận mưa đá dày đặc ở Điện Biên đã gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của người dân. Theo chuyên gia, có thể dễ dàng nhận biết các dấu hiệu trước khi có mưa đá.
Không dự báo được mưa đá
Chiều tối 19/3, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) và một số địa phương lân cận xảy ra trận mưa đá dày đặc trong khoảng 20 phút. Mưa đá xảy ra tại thành phố Điện Biên Phủ và một số xã trong khu vực "lòng chảo" Mường Thanh. Mưa đá khá dày, những hạt đá to bằng đầu ngón út, ngón cái trút xuống trong khoảng 20 phút. Sau cơn mưa đá, nhiều khu vực phủ trắng với một lớp đá khá dày.
Trận mưa đá khiến nhiều rau màu của bà con bị giập nát, một số nhà dân bị ảnh hưởng. Đây là lần thứ hai trong hơn một tháng qua tại thành phố Điện Biên Phủ xảy ra mưa đá.
Ở lần dông lốc kèm mưa đá hồi đầu tháng 2/2023, nhiều tấm banner, biển hiệu tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố bị đổ, hư hỏng, nhiều tấm lợp pro xi măng và nhựa bị mưa đá làm thủng. Ngoài ra, nhiều xe ô tô đỗ ngoài đường còn bị mưa đá làm vỡ kính. Trận mưa đá này cũng ảnh hưởng tới lưới điện và làm mất điện hơn 4.000 khách hàng trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Theo lãnh đạo UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), tối 18/3, một trận mưa đá xuất hiện trên địa bàn. Kích thước đá từ 1-3 cm, làm thủng một số mái nhà dân, hư hỏng hoa màu, cây cối. Trận mưa đá kéo dài khoảng 30 phút. Ngoài xã Huồi Tụ, trận mưa đá còn xuất hiện và ảnh hưởng nhiều hộ dân tại các xã Bảo Thắng, Mường Lống, Phà Đánh (huyện Kỳ Sơn).
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đêm nay và ngày mai ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa đá là hiện tượng kèm những hạt đá có kích thước khác nhau, rơi xuống từ các đám mây dông đối lưu mạnh, phát triển lên rất cao, thường xảy ra trong các cơn dông mạnh, vào thời gian giao mùa từ đông sang hè và thường kèm theo mưa rào với cường độ lớn trong khoảng từ vài phút đến vài chục phút.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, với khoa học và công nghệ hiện nay, các nhà dự báo chỉ có thể đưa ra cảnh báo về nguy cơ xuất hiện của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm này chứ không thể dự báo được dông, lốc, sét, mưa đá... sẽ xảy ra tại một vị trí vào một thời điểm nhất định nào.
"Ví dụ, Hoa Kỳ là nước thường xuyên xảy ra các trận dông, lốc, mưa đá và họ có một Trung tâm Dự báo dông hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các bản tin dự báo.
Tuy vậy, các bản tin dự báo cũng chỉ dừng ở việc cảnh báo khả năng xảy ra gió giật mạnh và mưa đá trong cơn dông chứ không thể dự báo chi tiết về thời gian và khu vực cũng như cường độ, kích thước mưa đá…"- ông Hoàng Phúc Lâm nói.
Những dấu hiệu sắp có mưa đá
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, về mặt khí hậu thì hiện tượng mưa đá trên không có gì là bất thường, bởi vì hiện nay cả nước đang bước vào thời kỳ chuyển mùa, miền Bắc đang mùa lạnh chuyển sang mùa nóng còn miền Nam chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, do vậy có sự tranh chấp giữa các khối khí gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, dông tố, lốc và vòi rồng, gió giật mạnh.
Hiện tượng thời tiết cực đoan thường xảy ra vào những thời điểm chuyển mùa, trong những ngày tới (cho đến hết tháng 5) vẫn đang là thời kỳ chuyển mùa kể cả miền Bắc và miền Nam, vì vậy những hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lốc tố hoàn toàn có thể lặp lại. Ở các tỉnh miền núi, sở dĩ hay có mưa đá là ngoài điều kiện về địa hình, còn do thỉnh thoảng xuất hiện rãnh thấp trong đới gió tây trên cao (5-6 km). Nếu rãnh thấp yếu sẽ gây mưa rào nhẹ, nếu mạnh thì hay xảy ra dông lốc và mưa đá.
Các tỉnh đồng bằng phải vài năm mới có một trận mưa đá. Còn các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... thì năm nào cũng có. Tại các huyện vùng cao của Lào Cai như Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Sapa năm ít một trận, năm nhiều 2-3 trận. Mưa đá và lốc xoáy thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa từ lạnh sang nóng (từ tháng 2 đến nửa đầu tháng 5) hoặc ngược lại từ nóng sang lạnh (tháng 10-11). Nhưng tần suất xuất hiện nhiều nhất là vào tháng 4.
Theo chuyên gia, dấu hiệu nhận biết sắp có mưa đá rất dễ nhận biết. Ví dụ như trời đang nóng bức mà có mây đen vần vũ kéo đến, gió đang thổi mạnh mà bỗng lặng gió, mưa rơi xuống cùng với nhiệt độ giảm nhanh thì đấy là dấu hiệu của mưa đá. Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, mây có dạng như bầu vú, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo tiếng ù ù, ầm ầm liên tục thì hãy nhanh chóng tìm nơi trú ẩn bởi có thể xuất hiện mưa đá. Nếu tiếp sau đó có lắc rắc vài hạt mưa rào, cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi, thì là mưa đá đang kéo đến.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, đang là thời kỳ giao mùa nên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa đá kèm gió mạnh, sét phóng thường hay xảy ra, nhất là ở vùng núi, khu vực bán sơn địa, khu vực giáp biển. Người dân ở những vùng này cần kiểm tra xem cây to gần nhà có cành khô, mục, hoặc sát mái không, nếu có phải chặt để tránh gãy đổ xuống nhà.
Với sự ấm nóng toàn cầu sẽ ngày càng làm gia tăng các hiện tượng cực đoan về thời tiết không riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nắng nóng, lạnh giá, hạn hán, bão lụt, lốc xoáy... ngày càng bất thường hơn.