Việt Nam tròn 33 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, 264 bệnh nhân đã khỏi bệnh
PLBĐ - Chiều 19/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không có ca mắc mới nào được ghi nhận và thêm 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Tính đến 18h chiều 19/5, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã tròn 33 ngày (từ 6h sáng 16/4 đến 18h chiều 19/5), cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Việt Nam có tổng cộng 324 ca mắc COVID-19, trong đó số ca bệnh xâm nhập là 184 người, đã được cách ly ngay khi nhập cảnh.
Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) ở nước ta là 11.326 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 302 người; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.929 người; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.095 người.
Cũng trong ngày hôm nay (19/5), nước ta có thêm 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi được công bố khỏi bệnh. Đó là, bệnh nhân số 92 (BN92). Đây là bệnh nhân nam, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam. BN92 dương tính lại sau khi được công bố khỏi bệnh vào ngày 14/4. Quá trình điều trị và theo dõi tại bệnh viện, BN92 được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 liên tục từ ngày 30/4 đến ngày 13/5. Sa khi ra viện, bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 264/324 bệnh nhân (chiếm 81% tổng số ca bệnh COVID-19) được công bố khỏi bệnh. 60 ca bệnh còn lại đang được cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số có tình trạng sức khỏe ổn định. Trong số bệnh nhân đang điều trị có 8 ca đã âm tính từ 1-2 lần với SARS-CoV-2.
Về 2 ca mới mắc COVID-19 có biểu hiện tổn thương phổi được chuyển từ Thái Bình lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 hiện đang được theo dõi sát, sức khoẻ các bệnh nhân vẫn đang ổn định.
Ca mắc COVID-19 nặng nhất là trường hợp BN91 - nam phi công người Anh đang có những tín hiệu tích cực. Bệnh nhân đã 5 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân hiện không sốt, vẫn tiếp tục ECMO. Tỷ lệ đông đặc phổi của bệnh nhân đã giảm từ 90% xuống còn gần 80%. Các chuyên gia nhận định, hiện bệnh nhân vẫn còn tình trạng nhiễm trùng màng phổi, nên chưa thể ghép phổi và cần tiếp tục điều trị nội khoa để hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Các bác sĩ hi vọng bệnh nhân sẽ đủ điều kiện để chờ nguồn phổi hiến để tiến hành ghép phổi.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, cho biết: Hội đồng chuyên môn đã bàn bạc rất kỹ, tất cả đều phải thực hiện theo Luật Hiến ghép mô tạng của Việt Nam. Trường hợp người bệnh muốn ghép tạng thì phải có đơn đề nghị được ghép tạng, trong trường hợp BN91 thì người nhà và Đại sứ quán Anh phải có ý kiến. Nguồn ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về hiến tạng. Hơn nữa về yếu tố về pháp lý, sau này khi bệnh nhân được ghép xong thì các điều kiện về chăm sóc, điều kiện về điều trị, hồi sức... thì cũng phải có người bảo hộ, giám hộ...
"Đặc biệt là phải có chỉ định ghép tạng, tôi đặc biệt lưu ý là phải đúng chỉ định chuyên môn chứ chúng ta cũng không được phép vượt qua chỉ định chuyên môn và phải theo đúng các quy định của Việt Nam"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng cho hay, chúng tôi được biết đã có nhiều người dân tình nguyện hiến một phần phổi để ghép cho BN91. Một lần nữa chúng tôi trân trọng cảm ơn tình cảm, nghĩa cử nhân văn của những người dân đã tình nguyện hiến một phần phổi để ghép cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ưu tiên hiện vẫn là tìm nguồn phổi từ người cho chết não.
T.H (th)