Luật xử chưa nghiêm, an toàn lao động bị xem thường

Thanh Hải 17/05/2020 19:38

Phải xử lý thích đáng, nghiêm khắc hơn bằng các chế tài hình sự, mức hình phạt nghiêm khắc đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động đến công nhân, người lao động vi phạm an toàn lao động.

Một vụ tai nạn lao động thương tâm, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 10 người chết và nhiều người khác bị chôn vùi trong đống đổ nát khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót. Bước đầu, thông tin từ cơ quan chức năng cho hay một nhóm công nhân đang thi công thì bức tường nặng hàng chục tấn bất ngờ đổ sập xuống.

Cách đây hơn 1 tuần, trong lễ phát động tháng Hành động an toàn vệ sinh lao động và tháng Công nhân năm 2020, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết tai nạn lao động chết người năm 2019 giảm 6% (hơn 60 người) và đây là năm thứ 2 liên tiếp số vụ tai nạn lao động cũng như số lao động bị chết vì tai nạn lao động giảm. Đặc biệt số vụ tai nạn lao động chết người ở khu vực không có quan hệ lao động giảm mạnh (giảm 11,5%). Tuy vậy, trong năm 2019 cả nước vẫn để xảy ra trên 8.100 vụ tai nạn lao động, làm 8.327 người bị nạn, trong đó có 927 người chết. Thiệt hại từ tai nạn lao động lên tới 10.500 tỉ đồng…

Luật xử chưa nghiêm, an toàn lao động bị xem thường - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sập tường tại KCN Giang Điền

Có thể thấy, tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra như trong thời gian vừa qua có rất nhiều nguyên nhân cũng như các yếu tố gây mất an toàn lao động, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp, người sử dụng lao động vẫn còn có tâm lý xem nhẹ, thậm chí là xem thường an toàn lao động trong sản xuất, thi công. Nhiều chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vẫn lo ngại chuyện tốn kém chi phí, tiền bạc nên không chú trọng đến việc đào tạo, huấn luyện cho người lao động cũng như không xây dựng đầy đủ các biện pháp an toàn lao động trong thi công, sản xuất. Ngoài ra, hiện nay ý thức tuân thủ an toàn lao động trong thi công của một số công nhân, người lao động vẫn còn rất kém, thậm chí là thiếu hiểu biết.  

Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác an toàn lao động, bảo hộ lao động là các kỹ sư, chuyên viên hay các an toàn viên chuyên trách tại các công trình đang thi công xây dựng vừa thiếu vừa  kém năng lực, việc phát hiện cũng như xử lý các tình huống nguy cấp hay các yếu tố có nguy cơ cao có thể dẫn tới và gây ra tai nạn lao động nghiêm trọng thường là chậm trễ, tắc trách, có tâm lý chủ quan, hời hợt, thậm chí là thiếu trách nhiệm, kỹ năng nghề nghiệp… 

Luật xử chưa nghiêm, an toàn lao động bị xem thường - Ảnh 2.

Nạn nhân vụ sập tường ở KCN Giang Điền

Ngoài ra, có thể nói chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động để xảy ra tai nạn lao động chết người còn quá nhẹ. Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra nhưng nhiều chủ doanh nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính hay được cơ quan tố tụng đề nghị hoặc áp dụng án treo (do được bãi nại, bồi thường thỏa đáng…) cũng đã khiến tâm lý của nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chủ quan, tiếp tục xem thường công tác an toàn lao động trong sản xuất, thi công... 

Thiết nghĩ, để kéo giảm tai nạn lao động ngoài nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, công tác an toàn lao động trong lao động sản xuất, trong thi công cần phải được chú trọng, thực hiện nghiêm ngặt, bài bản và thực chất hơn, tránh hô hào bằng những khẩu hiệu "suông".

 Để làm được điều đó, cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm ngay từ đầu từ như đình chỉ, tạm đình chỉ thi công đối với các công trình mà doanh nghiệp, người sử dụng lao động không tuân thủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn trong lao động, nhất là các công trình thi công có nhiều yếu tố rủi ro, nguy hiểm, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, phải xử lý thích đáng, nghiêm khắc hơn bằng các chế tài hình sự cũng như mức hình phạt nghiêm khắc, kể cả từ doanh nghiệp, người sử dụng lao động đến công nhân, người lao động có vi phạm.

Cần có những hướng dẫn pháp luật cụ thể đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra làm chết và bị thương nhiều người. Không xử phạt án treo, không xem các tình tiết như bồi thường tai nạn thỏa đáng cho nạn nhân cũng như cho thân nhân gia đình nạn nhân hay bãi nại của gia đình nạn nhân là tình tiết miễn, giảm trách nhiệm hình sự hay giảm nhẹ hình phạt vì đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ pháp lý của chủ doanh nghiệp khi để xảy ra tai nạn lao động do chủ quan, xem thường và thiếu các biện pháp an toàn lao động trong lao động, sản xuất, thi công.

(Theo Người lao động)

https://nld.com.vn/ban-doc/luat-xu-chua-nghiem-an-toan-lao-dong-bi-xem-thuong-20200517143057418.htm

Thanh Hải