Cứu sống người phụ nữ bị đạn bắn xuyên tim
Khi đang cùng gia đình đi chơi trên thuyền, người phụ nữ bất ngờ bị bắn vào ngực trái, nghi bằng súng bắn chim. Vết thương xuyên tim khiến chị rơi vào tình trạng nguy kịch.
Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ T.T.S. (39 tuổi, ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nhập viện với chẩn đoán theo dõi vết thương tim phức tạp do đạn bắn.
Trước đó, ngày 30-4, khi đang cùng gia đình đi chơi thuyền trên hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), chị S. bất ngờ bị bắn vào ngực trái, nghi bằng súng bắn chim. Chị đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn với biểu hiện chèn ép tim cấp rất nặng do chảy máu từ vết thương tim. Tại đây, các bác sĩ đã cấp cứu bằng cách dẫn lưu màng ngoài tim và hồi sức tích cực, sau đó chuyển lên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Mặc dù bị một vết thương xuyên tim phức tạp, chị S. đã rất may mắn giữ lại được mạng sống và dần bình phục - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ đã tiến hành các thăm dò cần thiết, qua đó xác định người bệnh có vết thương ngực trái, dị vật đi từ thành trước ngực, xuyên qua tim ra phía sau, tới dừng lại ở sát mặt trước động mạch chủ ngực. Người bệnh có biểu hiện tràn máu và khí màng phổi trái, tràn dịch màng phổi phải, tràn dịch màng tim, dẫn lưu màng tim ra máu đỏ tươi, hở van hai lá nặng cấp tính do rách lá van. Để điều trị thương tổn phức tạp này, bắt buộc phải mổ tim với tuần hoàn ngoài cơ thể cấp cứu.
PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, trưởng kíp mổ, cho biết: Tuy thương tổn tim rất phức tạp (xuyên từ mặt trước phễu thất phải, qua vách liên thất, vào thất trái, xuyên thủng lá trước van hai lá và thủng ra thành sau rãnh nhĩ thất trái, qua màng tim để dừng trước động mạch chủ ngực), nhưng không đi qua các cấu trúc không thể sửa chữa được hoặc để lại di chứng quá nặng nề cho người bệnh. Dị vật được lấy ra là 1 viên đạn chì giống như đạn súng hơi để bắn chim. Các bác sĩ đã khéo léo khâu tạo hình van hai lá, khâu các lỗ rách của tim, làm sạch và dẫn lưu màng phổi trái và phải.
ThS Nguyễn Kim Dần, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết: Sau mổ 2 ngày, tình trạng người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt, huyết động ổn định, các thông số xét nghiệm bình thường, được hỗ trợ dùng thuốc trợ tim liều thấp. Hiện tại, chị S. đã có thể ngồi dậy và ăn uống được.
Mặc dù bị một vết thương xuyên tim phức tạp, chị S. đã rất may mắn giữ lại được mạng sống và dần bình phục là nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ tuyến tỉnh và tuyến trung ương. PGS-TS Nguyễn Hữu Ước đánh giá may mắn là người bệnh đã được đưa đi cấp cứu kịp thời và xử trí ban đầu đúng nên mới có cơ hội đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để phẫu thuật điều trị triệt để.
Được biết, mỗi năm, các bác sĩ của Trung tâm tim mạch và Lồng ngực bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật trình độ cao: Tim hở và nội soi, ghép tim, ghép phổi, các ca mổ lồng ngực, mạch máu, can thiệp tim mạch khó.
Riêng về vết thương ngực do đạn súng hơi bắn, chỉ trong vòng 4 ngày đầu tháng 5, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 3 người bệnh đều cùng bị bắn vào ngực trái bằng đạn chì của súng hơi. Ngoài chị S. ra, 2 trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi ở Mù Cang Chải (Yên Bái), và 1 nam giới 28 tuổi ở Cầu Giấy (Hà Nội) đều may mắn không bị thương vào tim, và được mổ nội soi lồng ngực lấy dị vật và xử lý vết thương phổi trái. Hiện tượng này nên được cảnh báo về các tai nạn do tình trạng sử dụng súng bắn chim trong mùa dịch Covid-19.
(Theo Người lao động)
https://nld.com.vn/suc-khoe/dang-di-choi-thuyen-nguoi-phu-nu-bi-dan-ban-xuyen-tim-20200507101400584.htm