Những vụ tử vong thương tâm do ăn nấm rừng độc

Thanh Hải 03/05/2020 19:40

PLBĐ - Sau 1 tuần xảy ra vụ việc 3 cháu nhỏ ở Điện Biên ngộ độc nấm rừng, đến chiều ngày 3/5/2020 hai cháu bé còn lại cũng đã tử vong. Trước đó, ở nước ta đã ghi nhận nhiều trường hợp mất mạng do ăn nhầm nấm độc.

Điện Biên: Ăn trúng nấm độc, 3 cháu nhỏ tử vong

Sáng 3/5/2020, ông Giàng A Tủa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ cho biết, các nạn nhân Giàng Thị S (SN 2014) và Hạng Thị P (SN 2006) trong vụ ăn nhầm nấm độc xảy ra trên địa bàn vừa qua đều đã tử vong mặc dù đã được các y bác sỹ tận tình cứu chữa. Như vậy, cả 3 nạn nhân trong vụ ngộ độc tập thể do ăn nhầm nấm rừng xảy ra trên địa bàn xã đều đã tử vong.

Capture
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 25/4/2020 tại bản Na Cô Sa 3, xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) xảy ra vụ việc 3 người bị ngộ độc tập thể do hái nấm rừng về nấu ăn; trong đó, 1 người đã tử vong trên đường đi cấp cứu, 2 người còn lại được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ.

Sau khi được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện, cả 2 trường hợp đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên để tiếp tục cấp cứu. Tuy nhiên, do thời gian chất độc ngấm vào cơ thể đã nhiều giờ nên đến ngày 2/5/2020 cả 2 cháu đều đã không qua khỏi.

Hiện chính quyền địa phương đã hỗ trợ các gia đình lo mai táng và động viên các gia đình vượt qua khó khăn trước mắt.

Hà Giang: Gia đình 4 người ngộ độc nấm rừng đều đã tử vong

Chiều 20/4/2020, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, anh Sùng Seo Hoà và chị Ma Thị Giông (tại xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) trong gia đình 4 người bị ngộ độc nấm rừng đều đã tử vong.

Capture
Chị Ma Thị Giông cùng chồng con đã bị tử vong vì bị ngộ độc do ăn phải nấm rừng. (Ảnh: Dân trí)

Trước đó, vụ việc ngộ độc nấm rừng xảy ra vào ngày 6/4/2020 đối với gia đình anh Sùng Seo Hoà khi ông nội các cháu vào rừng kiếm được ít nấm mang về cho gia đình con trai ăn vì thương cuộc sống con cháu khó khăn.

Buổi tối hôm đó, cả nhà gồm 4 người (vợ chồng anh Sùng Seo Hòa, chị Ma Thị Giông và 2 con Sùng Văn Thuấn (7 tuổi) và em là Sùng Văn Thuần (4 tuổi) cùng ăn nấm, thì đến sáng ngày hôm sau xuất hiện đau bụng, buồn nôn nên được đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ tiếp tục chuyển 4 người lên bệnh viện tuyến tỉnh vào ngày 8/4/2020.  Nhưng diễn biến quá nặng nên phía Bệnh viện tỉnh Hà Giang đã chuyển 2 bé lên Viện Nhi Trung ương còn bố mẹ chuyển lên khoa Cấp cứu chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, 2 bé Sùng Văn Thuấn và Sùng Văn Thuần đã được tiến hành lọc máu và sử dụng những biện pháp tối ưu nhất nhưng không qua khỏi vì gan suy quá nặng. Hai em đã qua đời chiều ngày 15/4/2020 và đã được đưa về quê nhà để lo mai táng.

Capture
Hai anh em cậu bé Thuần và Thuấn không qua khỏi do ngộ độc nấm. (Ảnh: Dân trí)

Vụ việc cả gia đình 4 người bị ngộ độc nấm qua đời khiến chính quyền địa phương thôn Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm.

Điện Biên: Ăn phải nấm độc, 1 người tử vong, 1 người nguy kịch

Ngày 6/4/2020, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), 1 thiếu niên đã thiệt mạng, 1 thiếu niên khác nguy kịch do ăn phải nấm độc khi đi chăn trâu trên nương.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân Lý A Bia đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. (Ảnh: TTXVN)

Theo bác sỹ Hồ Duy Khánh (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên), ngày 5/4/2020, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp chuyển tuyến bị ngộ độc nặng do ăn phải nấm độc. Bệnh nhân là Lý A Bia (SN 2005, có hộ khẩu thường trú tại bản Nậm Pan, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng nhiều kèm theo đi ngoài nhiều lần.

Theo lời kể của người thân Lý A Bia, sáng 4/4/2020, Bia cùng em họ là Lý A Cự (SN 2008), trú cùng bản, đi chăn trâu trên nương. Đến 16h cùng ngày, không thấy 2 anh em về nên gia đình đi tìm thì phát hiện Lý A Cự đã tử vong còn Lý A Bia trong tình trạng bất tỉnh.

Ngay sau đó, gia đình đã đưa Bia đi cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Pa Chà (huyện Nậm Pồ), tuy nhiên do tình trạng bệnh lý nặng lên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên ngay sau đó. 

Sơn La: Ăn nấm xào, chồng chết, vợ và con nguy kịch

Ngày 22/6/2019, vợ chồng chị Vũ Thị T. (40 tuổi, ở Yên Châu, Sơn La) cùng một số người vào rừng hái nấm có màu nâu trắng về chế biến món ăn chiều cho gia đình.

28_6_3b_bgvh
Nấm độc tán trắng. (Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai)

Suốt bữa ăn, gia đình không có dấu hiệu gì đặc biệt nhưng sáng hôm sau, chồng chị T., chị T. và con dâu đau bụng, nôn và mệt nhiều. Ba người được đưa đến bệnh viện tỉnh Sơn La, tuy nhiên, do suy gan quá nặng nên chồng chị T. đã tử vong. Chị T. và con dâu được chuyển gấp về Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.

Hà Giang: Ăn nhầm nấm độc, 3 người trong một nhà tử vong

Sáng 28/3/2018, gia đình ông Sùng Diêu Hồng nấu nồi canh nấm để cả nhà ăn sáng. Có 4 người ăn canh nấm gồm vợ chồng ông Hồng và vợ chồng người con cả. 4 giờ sau, cả 4 người bị đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng và được đưa đến Bệnh viện tỉnh Hà Giang. Tại đây, các bệnh nhân được truyền dịch, lọc máu, thay huyết tương, với chẩn đoán bị ngộ độc do ăn nấm độc. 

ngodocnam1-6941-1522831158
Ông Hồng đang được các bác sĩ theo dõi sức khỏe. (Ảnh: N.P)

Do tình trạng ngộ độc quá nặng, lần lượt trong 2 ngày (31/3 và 1/4/2018), vợ ông Hồng cùng vợ chồng con trai không qua khỏi. Ông Hồng được chuyển đến Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.

Cách phòng tránh ngộ độc nấm:

- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm có màu sắc sặc sỡ.

- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.

- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

- Khi bị ngộ độc nấm có thể sơ cứu bằng cách sử dụng biện pháp cơ học gây nôn cho bệnh nhân. Sau đó, cho người bệnh uống than hoạt tính liều 1 gam/kg cân nặng người bệnh, đồng thời cho uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol.

- Tiếp đó, khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Cần xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến khi có triệu chứng ngộ độc, nếu dưới 6 giờ có thể điều trị ở trung tâm y tế xã, huyện, trên 6 giờ phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu mới hy vọng cứu sống được người bệnh.

T.H (th)

Thanh Hải